Thái Bình Thứ Năm | 12/07/2018 11:09

Ấn Độ vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới

Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, Ấn Độ đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới.

Thị trường Ấn Độ: Trái ngọt không dễ hái

Hấp lực của thị trường thực phẩm trực tuyến Ấn Độ


Ấn Độ đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với tổng GDP khoảng 2.597 tỷ USD và đẩy Pháp xuống vị trí thứ 7. Nền kinh tế Nam Á này đã chứng kiến GDP tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua và dự báo sẽ trở thành một trong những "đầu tàu" kinh tế tại châu Á. 

Tuy nhiên, WB lưu ý, tổng dân số của Ấn Độ vào khoảng 1,34 tỷ người, trong khi tổng dân số của Pháp ở mức 67 triệu người. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập bình quân đầu người tại Pháp vẫn cao hơn 20 lần so với Ấn Độ.

Nền kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 7.2017, sau vài quý sụt giảm. Hoạt động chế tạo và chi tiêu tiêu dùng được đánh giá là những động lực chính đối với kinh tế Ấn Độ trong năm ngoái.

Nền kinh tế Nam Á này đã chứng kiến GDP tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua và dự kiến sẽ trở thành một trong những “đầu tàu” kinh tế tại châu Á, kể cả khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,4% trong năm 2018 và 7,8% trong năm 2019, nhờ những cải cách về thuế và chi tiêu của các hộ gia đình, cao hơn nhiều mức tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới (3,9%). 

 

An Do vuon len vi tri nen kinh te lon thu 6 the gioi
Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017 Ấn Độ đã vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, với tổng GDP khoảng 2.597 tỷ USD và đẩy Pháp xuống vị trí thứ bảy với GDP 2.582 tỷ USD. Nguồn: Business Standard, Connected To India

Cuối năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), có trụ sở tại London (Anh) đã dự báo Ấn Độ sẽ vượt cả Anh và Pháp về tổng GDP trong năm 2018 và có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2032. 

Tính đến cuối năm 2017, Anh vẫn là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với GDP 2.622 tỷ USD. Mỹ duy trì vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. 

Ấn Độ đang trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Về lịch sử phát triển, trước năm 1991, Chính phủ Ấn Độ theo chính sách quản lý nhà nước tập trung, tạo bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc về cán cân thanh toán năm 1991 buộc Ấn Độ phải tự do hóa nền kinh tế và chuyển đổi theo hướng thị trường tự do. Mô hình kinh tế Ấn Độ đã bắt đầu mang màu sắc tư bản chủ nghĩa, trở thành thành viên của WTO từ 1-1-1995.

Theo đường lối kinh tế tự do, Ấn Độ đã có bước phát triển rất nhanh, đến 2010 được xếp hạng 51 trên thế giới về năng lực cạnh tranh, hạng 7 về thị trường tài chính, 44 về trình độ phát triển kinh doanh, 39 về đổi mới, cách tân nền kinh tế. Nhờ GDP tăng trưởng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhanh chóng.

Tuy vậy, Ấn Độ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức: Là nơi có số lượng nhiều nhất người sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25USD/ngày), 48% số trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu cân, suy dinh dưỡng.

Đến nay Ấn Độ đã định hình các ngành sản xuất công nghiệp như dệt nhuộm, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, gang thép, thiết bị vận tải, dầu mỏ, sản xuất phần mềm. Về nông nghiệp, Ấn Độ có các mặt hàng chủ lực như gạo, lúa mì, hạt có dầu, khoai tây, bông, đay, trà, mía đường. Đặc biệt, Ấn Độ được nhìn nhận là nơi gia công phần mềm hàng đầu thế giới; phát triển chỉ đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ cũng tăng trưởng nhanh thứ 2 thế giới, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Riêng ngành công nghệ thông tin, Ấn Độ đã tạo việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên, đạt doanh thu 100 tỷ USD, bằng 7,5% GDP và đóng góp đến 26% kim ngạch xuất khẩu.