Nguồn ảnh: Times of India

 
Thái Bình Thứ Năm | 07/05/2020 17:29

Ấn Độ 'tung đòn' mạnh thu hút hơn 1.000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc

Ấn Độ đang tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả Abbott, di dời khỏi Trung Quốc.

Thay thế Trung Quốc

Ấn Độ đang tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả Abbott, di dời khỏi Trung Quốc khi Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh về vai trò của quốc gia này trong đại dịch COVID-19.

Vào tháng 4, Chính phủ Ấn Độ đã tiếp cận hơn 1.000 công ty ở Mỹ và khuyến khích các nhà sản xuất tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Ấn Độ chọn ra 10 lĩnh vực sản xuất được ưu tiên, bao gồm điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, kỹ thuật nặng, thiết bị năng lượng mặt trời, chế biến thực phẩm, hóa chất và dệt may.

Động thái của ông Trump trong việc đổ lỗi cho Trung Quốc về vấn đề xử lý đại dịch COVID-19, gây tử vong hơn 1/4 triệu người trên toàn thế giới, dự kiến ​​sẽ làm xấu đi quan hệ thương mại toàn cầu khi các công ty và chính phủ chuyển nguồn lực ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la để giúp các doanh nghiệp chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, trong khi các thành viên Liên minh châu Âu có kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc.

Theo lời của vị quan chức giấu tên, Ấn Độ hy vọng sẽ thu hút các công ty Mỹ ở các lĩnh vực sản phẩm và thiết bị chăm sóc sức khỏe, đồng thời đang trong quá trình đàm phán với Medtronic Plc và Abbott Laboratories về việc chuyển cơ sở sản xuất sang Ấn Độ. Phát ngôn viên của Medtronic và Abbott vẫn chưa nhận định về vấn đề này.

Cả Medtronic và Abbott đều đã có mặt tại Ấn Độ và nhờ đó, việc họ chuyển chuỗi cung ứng tới quốc gia này sẽ dễ dàng hơn. Họ đang đặt trụ sở tại trung tâm tài chính Mumbai và đã làm việc với các tập đoàn bệnh viện lớn của Ấn Độ.

Các quan chức nói với các công ty rằng việc chuyển tới Ấn Độ sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế (về phương diện mua đất và tuyển dụng người lao động lành nghề với giá phải chăng) hơn là chuyển sản xuất về nước Mỹ hoặc Nhật Bản, ngay cả khi chi phí tổng thể vẫn cao hơn Trung Quốc.

Phát ngôn viên của bộ thương mại Ấn Độ đã không bình luận về vấn đề này.

Những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ cố gắng lấy lại những gì đã mất. Thật vậy, nhiều công ty chọn các quốc gia như Việt Nam thay vì Ấn Độ làm điểm đến khi ông Trump khởi đầu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Vào tháng 4, Ngoại trưởng Michael Pompeo cũng cho biết, Mỹ đang hợp tác với Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam về cách thức cơ cấu lại các chuỗi cung ứng. Ấn Độ đã đưa ra một sáng kiến ​​để loại bỏ chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc. Đầu tuần, Reuters đưa tin, một quan chức Ấn Độ cho biết họ đang thúc đẩy một Mạng lưới thịnh vượng kinh tế của các đối tác tin cậy.

Ông Derek Grossman, nhà nghiên cứu tại RAND Corporation có trụ sở ở Washington và cũng từng nắm giữ các vị trí trong Cộng đồng Tình báo Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua, cho biết: “Theo tôi, mạng lưới này (nếu được thiết lập thành công) sẽ chuyển sang Ấn Độ và Việt Nam để thay thế Trung Quốc trong mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu”

Ông Grossman nhận định, “Đây sẽ là một phương án hơi khập khiểng về phương diện thay thế năng lực sản xuất to lớn của Trung Quốc, nhưng có lẽ Mỹ đang nuôi hy vọng rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể nhanh chóng đẩy mạnh năng lực ít nhất là bằng với năng lực của Trung Quốc”.

Việc chuyển tới Ấn Độ sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệpChính phủ Ấn Độ chọn ra 10 lĩnh vực sản xuất được ưu tiên, bao gồm điện, dược phẩm, thiết bị y tế, điện tử, kỹ thuật nặng. Nguồn ảnh: livemint

Cải cách thuế

Đối với Thủ tướng Modi, việc tăng cường đầu tư sẽ giúp vực dậy một nền kinh tế đang lao đao sau 8 tuần phong tỏa, đồng thời giúp ông đạt được mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực sản xuất lên 25% GDP vào năm 2022, từ mức 15%. Nhu cầu tạo thêm công ăn việc làm thậm chí còn cấp thiết hơn sau khi đại dịch khiến 122 triệu người rơi vào tình thế thất nghiệp và buộc Ấn Độ phải đóng cửa toàn bộ thành phố lớn.

Ngoài ra, tình trạng hiện tại cũng mang lại cơ hội để Ấn Độ thông qua việc cải cách đã bị chững lại từ lâu về đất đai, lao động và thuế - vốn là những rào cản chặn đứng làn sóng đầu tư tại Ấn Độ trong nhiều năm qua. Ghi đậm dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Modi là những cuộc biểu tình trên toàn quốc và đà giảm tốc về tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra rủi ro cho các công ty dự tính chuyển về Ấn Độ.

Ông Ajay Sahai, Tổng giám đốc Liên đoàn các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho biết, Ấn Độ là một thị trường lớn hơn so với Việt Nam hoặc Campuchia. Tuy nhiên, ngoài việc đảm bảo đất đai, nước và thoát nước, thay đổi quan trọng nhất mà Ấn Độ cần thực hiện là đảm bảo rõ ràng rằng chính phủ sẽ không đưa ra các sửa đổi về thuế.

Một số bang bao gồm Maharashtra đã đảm bảo rằng chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất nước ngoài vẫn hoạt động thông qua việc hạn chế virus lây lan ở Ấn Độ. 

Có thể bạn quan tâm:

Ấn Độ mất đà: Thách thức cho vị thủ tướng tái đắc cử

Ấn Độ vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới

Nguồn Bloomberg