Các rào cản cũ vẫn đè nặng ngành sản xuất của Ấn Độ. Ảnh: NYTimes.

 
Thứ Tư | 23/04/2025 13:19

Ấn Độ trước cơ hội trở thành công xưởng thế giới

Thuế nhập khẩu cao với hàng Trung Quốc mở ra cơ hội vàng cho Ấn Độ, nhưng hệ thống sản xuất của nước này vẫn còn nhiều điểm yếu cố hữu.

Ngay cả khi đối mặt với mức thuế 27% đối với hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, giới doanh nghiệp và quan chức Ấn Độ vẫn nhìn thấy điểm sáng. Bởi đối thủ kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và những đối thủ nhỏ hơn như Việt Nam còn đang chịu mức thuế cao hơn.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực để trở thành lựa chọn thay thế Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất. Giờ đây, thời cơ dường như đã đến.

Mỹ sau đó đã hoãn áp thuế lên Ấn Độ và một số quốc gia khác trong 90 ngày. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục bị siết chặt khi Tổng thống Donald Trump nâng mức thuế lên đến 145%.

Mức thuế kỷ lục áp lên hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là "một cơ hội đáng kể cho thương mại và công nghiệp Ấn Độ", theo ông Praveen Khandelwal, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi và là nhân vật có ảnh hưởng trong giới doanh nghiệp nước này.

Sở hữu lực lượng lao động khổng lồ, Ấn Độ từ lâu đã tìm cách chen chân vào lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang thống trị. Trong suốt một thập kỷ qua, chính phủ ông Modi đã theo đuổi chiến lược “Made in India”.

Chính phủ đã chi hơn 26 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các ngành chiến lược và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Một trong những mục tiêu lớn là tạo ra 100 triệu việc làm trong ngành sản xuất vào năm 2022. Một số thành công đã được ghi nhận, điển hình như việc Foxconn chuyển một phần hoạt động sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Ấn Độ từ lâu đã tìm cách chen chân vào lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang thống trị. Ảnh: NYTimes.
Ấn Độ từ lâu đã tìm cách chen chân vào lĩnh vực sản xuất mà Trung Quốc đang thống trị. Ảnh: NYTimes.

Tuy nhiên, tỉ trọng ngành sản xuất trong nền kinh tế Ấn Độ lại sụt giảm trong thập kỷ qua, từ mức 15% GDP xuống dưới 13%, nhường chỗ cho các lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp.

Sản xuất và cơ hội việc làm đi kèm được xem là yếu tố then chốt trong tham vọng trở thành cường quốc toàn cầu của Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn gấp 5 lần Ấn Độ, đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ xuất khẩu hàng hóa. Tại phần lớn nền kinh tế Đông Á, ngành sản xuất chiếm khoảng 25% GDP, gấp đôi tỉ trọng của Ấn Độ.

Dưới thời ông Modi, cơ sở hạ tầng công cộng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, 10 năm vẫn chưa đủ để đào tạo lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Việc kết nối các trung tâm kinh tế trong nước vẫn còn nhiều trắc trở.

Chỉ cách thủ đô New Delhi khoảng một giờ đồng hồ di chuyển trên tuyến cao tốc 8 làn xe mới xây, khu công nghiệp Rai thuộc bang Haryana từng là vùng trồng lúa mì và cải dầu. Một số nhà máy tại đây đã hoạt động từ 20 năm trước, trong khi nhiều nhà xưởng mới chỉ bắt đầu vận hành và kỳ vọng một bước ngoặt sắp tới.

Ông Vikram Bathla, nhà sáng lập công ty LiKraft chuyên sản xuất pin lithium-ion cho xe điện, cho biết rào cản lớn nhất là tiếp cận công nghệ. LiKraft phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu, thường phải mua với số lượng lớn và chịu thời gian vận chuyển kéo dài. Tuyển dụng lao động có tay nghề cao cũng là một khó khăn. “Chúng tôi có thể mua thiết bị, phần lớn nhập từ Trung Quốc, nhưng điều chúng tôi thiếu là nhân lực đủ kỹ năng để vận hành”, ông Bathla nói. Suốt 5 năm qua, ông đã cố gắng bắt kịp các đối thủ đã đi trước mình đến 15 năm.

Tại nhà máy, khoảng 300 công nhân, chủ yếu là lao động di cư từ các bang nghèo hơn, miệt mài làm việc bên dây chuyền lắp ráp. Họ bắt đầu từ các tế bào pin nhập từ Trung Quốc, một số mang nhãn “Made in Inner Mongolia”. Sau đó, các tế bào này được hàn nối với linh kiện điện tử để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, mang nhãn “Made in India”, dù chuỗi cung ứng vẫn là của nước ngoài.

Không chỉ ngành công nghệ cao gặp khó. Một nhà máy gần đó thuộc khu công nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Công ty AutoKame, chuyên sản xuất bọc ghế ôtô cho thị trường trong nước, đang sử dụng máy cắt vải nhập từ Đức và Ý. Chất liệu sợi tổng hợp, nguyên liệu đầu vào, cũng phải nhập.

Tuy nhiên, nguyên liệu đắt đỏ chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo ông Anil Bhardwaj, Tổng Thư ký một hiệp hội doanh nghiệp sản xuất, các rào cản lớn hơn nằm ở chi phí đất đai cao, thiếu kỹ sư lành nghề, khó tiếp cận tín dụng và hệ thống hành chính rườm rà. Ngoài ra, còn có yếu tố ít được chú ý hơn: hệ thống tư pháp. “Tòa án chậm chạp và phán quyết tùy tiện khiến doanh nghiệp nhỏ bị lép vế trước các tập đoàn lớn có tiền thuê luật sư giỏi và quan hệ chính trị”, ông Bhardwaj nói. “Đó là lý do nhiều người sợ đối đầu với các công ty lớn ở Ấn Độ”.

Các doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh, cũng như không muốn mở rộng quy mô để tránh rủi ro pháp lý. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế kinh tế theo quy mô. 

Dù vậy, ông Bhardwaj và nhiều chuyên gia thừa nhận những cải thiện trong vài năm qua. Ví dụ, nguồn cung điện, từng thiếu hụt 10 năm trước, nay đã dồi dào hơn ở các khu công nghiệp như Haryana, dù chưa thực sự ổn định. Một số quy trình hành chính cũng đã được đơn giản hóa dưới thời ông Modi.

Nhiều bang Ấn Độ đã mô phỏng được phần nào mô hình sản xuất đưa Trung Quốc trở thành công xưởng thế giới. Tại bang Tamil Nadu, cụm nhà cung ứng Apple hiện sản xuất khoảng 20% tổng lượng iPhone toàn cầu, một con số đáng kể, khi chỉ vài năm trước, hầu hết iPhone đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Theo số liệu từ sân bay chính của Tamil Nadu, ngay trước thời điểm Mỹ công bố mức thuế 27%, lượng hàng điện tử xuất khẩu từ khu vực này đã tăng gấp đôi, lên hơn 2.000 tấn mỗi tháng. Tuy nhiên, quyết định miễn thuế tạm thời với điện thoại thông minh và thiết bị điện tử có thể sẽ khiến làn sóng này chững lại.

Dù vậy, những thay đổi dài hạn đang dần hình thành. Một nguồn tin thân cận với các nhà cung cấp Apple tiết lộ mục tiêu là nâng sản lượng iPhone tại Ấn Độ lên 30% tổng số toàn cầu.

Ông Khandelwal khẳng định Ấn Độ đã sẵn sàng tận dụng cơ hội từ mức thuế 145% Mỹ áp lên Trung Quốc, đặc biệt trong các ngành như điện tử, phụ tùng ôtô, dệt may và hóa chất. Các chủ nhà máy nhỏ cũng kỳ vọng như vậy. Tuy nhiên, họ vẫn phải vượt qua những rào cản cũ kỹ, vốn đã tồn tại hàng thập kỷ và vẫn là những chướng ngại lớn nhất của nền công nghiệp Ấn Độ.

Có thể bạn quan tâm:

Văn hóa sneaker hạ nhiệt khi người tiêu dùng quay lưng

Nguồn NYTimes