Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan trong kiềm chế lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng của Ấn Độ trong tháng 3 tăng 9,47% so với năm ngoái, sau khi tăng 8,83% trong tháng 2, do giá trứng, rau, cá và thịt tăng. Lạm phát giá bán buôn trong tháng 4 là 7,23% với giá lương thực tăng 10,5%.
Sonal Varma, nhà kinh tế học tại Nomura Holdings Inc ở Mumbai, người được Bloomberg xếp hạng là nhà dự báo hàng đầu của Ấn Độ cho biết: “Người tiêu dùng đang đối mặt với lạm phát cao mà nguyên nhân chủ yếu là giá lương thực. Do sự khác biệt giữa chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá bán buôn, nên Ngân hàng trung ương Ấn Độ không thể giảm lãi suất quá mạnh khi kỳ vọng lạm phát vẫn cao.
Bằng cả việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng và bán buôn, lạm phát của Ấn Độ hiện đang ở mức cao nhất trong khối BRIC, nhóm các thị trường đang nổi lớn nhất, gồm cả Brazil, Nga và Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ ngày 17/4 đã hạ lãi suất, lần đầu tiên kể từ năm 2009, xuống 8% để hỗ trợ nền kinh tế. Động thái này được đưa ra tiếp theo 13 lần tăng lãi suất từ tháng 3/2010 đến tháng 10/2011 để tìm cách kiềm chế áp lực tại một đất nước nơi 75% người dân sống với chưa đến 2USD/ngày.
Sai thời điểm
Jay Shankar, nhà kinh tế học độc lập và nhà phân tích chính trị vốn đã từng làm cho Religate Capital Markets Ltd tại Mumbai, cho biết: “Lãi suất chính sách được cắt giảm không đúng thời điểm. Ngân hàng trung ương Ấn Độ hiện nay nên tập trung vào kiềm chế lạm phát thay vì hỗ trợ tăng trưởng”.
Thống đốc Subbarao đã không đồng ý với đề xuất của Ban tư vấn khi tháng trước ông giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm – cao hơn dự đoán. Theo biên bản của Ủy ban Tư vấn Kỹ thuật về Chính sách Tiền tệ ngày 11/4, bốn trong số 6 thành viên ngân hàng thương mại cho rằng ngân hàng trung ương nên duy trì lãi suất, trong khi 2 thành viên đề xuất giảm 0,25 điểm phần trăm.
Chi phí vay USD của các công ty Ấn Độ tăng do sự bất lực của các nhà hoạch định chính sách trong việc kiềm chế lạm phát đã làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư. Đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục và các quỹ quốc tế giảm 400 triệu USD lượng nắm giữ tài sản bằng rupee sau khi ngân hàng trung ương cho biết thâm hụt tài khóa của Thủ tướng Manmohan Singh có thể làm tăng áp lực giá tại nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á này.
Kiềm chế chi tiêu
Theo ông Shankar, giá rau và quả tại khâu bán lẻ cao hơn nhiều so với giá bán tại trại do hàng hóa được phân phối qua nhiều khâu trung gian. Giá có xu hướng tăng vì nguồn cung không tăng.
Trong khi đó, theo Paras Bothra, nghiên cứu trưởng tại Ashika Stock Broking Ltd tại Kolkata, đó chính là lý do làm giảm chi tiêu dùng.
Dự đoán, tăng trưởng doanh số bán của Pantaloon Retail India Ltd, nhà bán lẻ lớn nhất Ấn Độ, chỉ 3% trong năm tài chính kết thúc vào 30/6, so với tăng 35% năm trước đó.
Ông Bothra cho biết “Nếu bạn nhìn vào diễn biến bán lẻ trong quý này, thì kết quả nói chung rất trì trệ. Sức mua đã giảm đáng kể vì lạm phát vẫn cao và tăng trưởng doanh thu không còn tốt”.
Bà Chetna Desai, 33 tuổi, làm nghề tư vấn về quyền trẻ em, có thu nhập 60.000 rupee/tháng (1.100 USD), đưa mắt nhìn những quả xoài và quả lựu trong một quầy hàng ở Nam Delhi sau khi mua hành và khoai tây, nhưng quyết định không mua sau khi người bán hàng nói giá.
“Mọi thứ từ sữa đến rau quả ngày nay đều quá đắt đỏ. Mặc dù tôi vẫn có thể mua được, nhưng mỗi lần đi chợ mua đồ ăn thức uống, tôi đều kinh ngạc về giá cả”, bà Chetna Desai cho biết.
Bà Desai cho biết: “Giá rau và quả tăng mạnh trong 4-5 năm qua, thậm chí giá sữa cũng đang tăng. Chính phủ liên tục nói rằng lạm phát sẽ giảm, nhưng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra”.
Nguồn WSJ/DVT