Thứ Hai | 17/12/2012 19:35

Ấn Độ sẽ thay Trung Quốc thành động cơ tăng trưởng toàn cầu

Ấn Độ đang cho thấy những lợi thế quý báu có thể giúp nền kinh tế soán ngôi động cơ tăng trưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Hầu hết nhiều người vẫn coi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, là quốc gia lãnh đạo không thể tranh cãi của các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, Gary Shilling, chủ mục của trang thông tin kinh tế tài chính Bloomberg kiêm chủ tịch của hãng tư vấn A. Gary Shilling & Co. tại New Jersey, lại cho rằng Ấn Độ mới chính là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng cho kinh tế toàn cầu về dài hạn.

Ông Shilling cho rằng những ai bị choáng ngợp bởi sự bứt phá không tưởng của kinh tế Trung Quốc thường quên mất một sự thật rằng, sự tăng trưởng chóng mặt của thế giới thời kỳ trước 2008 chủ yếu là nhờ sự chuyển đổi sản xuất toàn cầu từ châu Âu và Mỹ, chứ không phải bởi hoạt động sản xuất trong nước. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục đi theo định hướng xuất khẩu, song xuất khẩu chỉ chiếm 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với các nước phát triển và đang phát triển khác.

Gary Shilling cho rằng Ấn Độ mới chính là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng cho kinh tế toàn cầu về dài hạn.
Gary Shilling cho rằng Ấn Độ mới chính là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng cho kinh tế toàn cầu về dài hạn.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách hướng kinh tế trong nước tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Họ muốn các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn so với tỷ lệ 30% như hiện tại. Theo ông Shilling, thói quen tiết kiệm của người Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ truyền thống Nho giáo, trong đó nhấn mạnh vai trò phải nuôi sống gia đình của một cá nhân. Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng tiết kiệm để trang trải chi phí giáo dục cho con cái cũng như các chi phí chăm sóc sức khỏe và nghỉ hưu khác.

Trung Quốc cũng nâng lương tối thiểu từ 20% đến 30% trong năm ngoái nhằm nâng cao sức mua của người dân. Mặc dù vậy, mức lương cao hơn cho người công nhân lại khiến các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài rời đại lục và tìm kiếm những quốc gia có chi phí sản xuất nhiều hơn như Việt Nam, Bangladesh và Pakistan.

Hơn thế nữa, các công ty phương Tây đang ngày càng tỏ ra e ngại trước yêu cầu phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc - một phần trong thỏa thuận đặt cơ sở sản xuất tại đại lục. Rất nhiều nhà phân tích cho rằng sự thành công của các nhà sản xuất Trung Quốc hiện nay chủ yếu nhờ vào hoạt động chuyển giao công nghệ như vậy.

Sau khoảng thời gian tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế Trung Quốc đã cho thấy dấu hiệu hụt hơi khi tăng trưởng hàng năm liên tục giảm. Mới đây, Bắc Kinh còn buộc phải giảm mục tiêu tăng trưởng GDP thực tế hàng năm từ 8% xuống 7,5%.

Ngoài ra chính sách hạn chế dân số khắc nghiệt của Trung Quốc đang dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng về dân số, đặc biệt là sự tăng trưởng của lực lượng lao động mới.

Ngược lại, Ấn Độ, với lợi thế không hạn chế tốc độ tăng trưởng dân số, đang dần bắt kịp Trung Quốc về lợi thế lực lượng lao động. Năm ngoái, dân số Trung Quốc là 1,34 tỷ người, cao hơn khá nhiều so với Ấn Độ (1,24 tỷ người). Tuy nhiên, lợi thế này của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể duy trì lâu.

Hơn nữa, sự phân bố tuổi và giới trong dân số Ấn Độ tốt hơn so với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định chính sách 1 con cực đoan của Trung Quốc đang gây ra những hậu quả tiêu cực đối với lực lượng lao động về dài hạn cũng như tăng trưởng kinh tế.

Trong số những lợi thế của Ấn Độ so với Trung Quốc, có thể kể đến thời gian Ấn Độ bị thống trị bởi thực dân Anh. Khi rời đi, người Anh đã để lại cho Ấn Độ một hệ thống giao thông đường sắt tương đối hoàn hảo, giúp việc vận chuyển người và hàng hóa trên phạm vi rộng tương đối dễ dàng. Trung Quốc, ngược lại, không cho phép cấp tạm trú cho những người nông dân tới các khu vực thành thị để tìm việc làm.

Một lợi thế nữa của Ấn Độ đó là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến là tiếng Anh - công cụ cực kỳ hữu ích trong thời đại hội nhập kinh tế.

Ấn Độ đang cho thấy những lợi thế quý báu có thể giúp nền kinh tế vượt qua Trung Quốc.
Ấn Độ đang cho thấy những lợi thế quý báu có thể giúp nền kinh tế vượt qua Trung Quốc.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều công ty lớn và phức hợp như tập đoàn Tata, có thể giúp kinh tế đất nước cạnh tranh với toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc, ngược lại, lại bị gánh nặng bởi các ngân hàng nhà nước và các tập đoàn quốc doanh làm ăn kém hiệu quả - hiện chiếm một phần khá lớn trong GDP cũng như sử dụng tới 1/4 lực lượng lao động.

Hơn tất cả, Ấn Độ là nền kinh tế có khuynh hướng thiên về công nghệ. Các kỹ sư và nhà khoa học Ấn Độ có trình độ chuyên môn cao và thông thạo giao tiếp bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin dựa trên công nghệ mới như truyền dẫn vệ tinh của Ấn Độ cũng tỏ ra vượt trội so với Trung Quốc

Mỗi năm, doanh thu từ gia công phần mềm đem về 69 tỷ USD doanh thu cho Ấn Độ, bằng 1/4 doanh thu từ xuất khẩu. Mức lương thấp cùng kỹ năng tiếng Anh tốt cũng giúp lực lượng lao động Ấn Độ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Cũng giống như Trung Quốc, một tài sản vô cùng quý giá với kinh tế Ấn Độ chính là tầng lớp trung lưu cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo ước tính từ PricewaterhouseCoopers LLP, tầng lớp trung lưu Ấn Độ, với thu nhập từ 1.000 đến 4.000 USD/năm, là 470 triệu người trong năm 2010, đủ sức mang lạ sức mua khổng lồ cho kinh tế Ấn Độ. Ước tính trong thập kỷ tới, tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ lên tới 570 triệu người, với thu nhập lên đến 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Dù có tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cao, song ở Ấn Độ, 82% các hộ gia đình có điện thoại di động trong năm ngoái. Ngoài ra, các hộ gia đình Ấn Độ cũng sở hữu nhiều mặt hàng như TV, xe đạp, xe máy, thậm chí cả ô tô, cho thấy sức tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với người dân Trung Quốc.

Một điểm mạnh khác là Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) tương đối độc lập so với chính phủ, trong khi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) lại chịu sự chi phối toàn diện của nhà nước, ông Shilling nói.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện