Thứ Bảy | 13/07/2013 11:26

Ấn Độ sắp quay về thời kỳ tăng trưởng Hindu?

Đồng rupee mất giá khiến nhiều người lo ngại về sức khỏe nền kinh tế Ấn Độ, nhưng chưa ai gọi tên được nỗi lo sợ ấy thực sự là gì?

Đồng rupee suy yếu nhanh chóng trong những tháng gần đây. Kể từ đầu tháng 5/2013, tỷ giá hối đoái đồng rupee so với USD giảm 11%, xuống còn khoảng 60 rupee/USD. Như một biểu tượng cho sức mạnh kinh tế của Ấn Độ, việc đồng rupee giảm giá trị đã gây nên nhiều tác động hơn những gì cuộc tranh luận thường nói đến và gây cảm giác lo lắng cho mọi người kể cả trong và ngoài nước. Nhưng ít người có thể gọi tên tác động đó là gì.

Lý do thực sự khiến người ta lo lắng, không phải vì đồng rupee mất giá. Trên thực tế, sự trượt dốc này đã được dự báo trong khoảng thời gian dài trước đó và những bấp bênh gần đây của thị trường mới gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Lo lắng thực sự của Ấn Độ chính là việc mất đi khả năng cạnh tranh quốc tế và mất thời gian dành cho những khoản vay mượn từ những nguồn vốn vay không ổn định. Trong bối cảnh đà tăng trưởng sụt giảm và lạm phát liên tục tăng cao, doanh nghiệp sản xuất của Ấn Độ phải vật lộn để cạnh tranh với thị trường thế giới. Thâm hụt tài khoản vãng lai tăng lên không ngừng, do tăng thâm hụt thương mại (13% GDP), càng làm sâu sắc thêm nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ từng đạt tỷ lệ tăng trưởng với tốc độ 8-10 %/năm trong giai đoạn 2004-2007. Đây là khoảng thời gian dường như báo trước một bước đột phá quyết định sau khi nền kinh tế thoát khỏi dây xích của “Tỷ lệ tăng trưởng Hindu” (hiện tượng tăng trưởng thấp kéo dài tại Ấn Độ cách đây hơn 30 năm). Cải cách đã đem đến nguồn năng lượng mới đầy triển vọng cho một tương lai tươi sáng hơn, tiếp sức cho khát vọng của người dân Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, với xuất thân là một nhà kinh tế liệu có thể cứu giúp nền kinh tế Ấn Độ thoát khỏi đà suy thoái?
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, với xuất thân là một nhà kinh tế liệu có thể cứu giúp nền kinh tế Ấn Độ thoát khỏi đà suy thoái?

Cùng với đó, Ấn Độ còn chú trọng thúc đẩy các nhà sản xuất hướng ra thị trường nước ngoài. Trong giai đoạn phát triển sôi nổi, nền kinh tế toàn cầu đã chào đón các dịch vụ công nghệ-thông tin của Ấn Độ. Trung tâm công nghệ thông tin Bangalore, ngành công nghiệp sản xuất phim Bollywood và cả yoga đã trở thành biểu tượng của sức mạnh mềm của Ấn Độ. Đó đã từng là thời điểm để người ta đầu tư cho tương lai.

Nhưng cơ hội đã trở nên lãng phí. Cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Giáo dục tụt hậu. Đối với một quốc gia định hình như một đầu tàu trong nền kinh tế tri thức toàn cầu, việc bỏ qua đầu tư cho giáo dục là một sai lầm nghiêm trọng. Bất chấp thời điểm tốt, Ấn độ vẫn chưa một lần định vị chỗ đứng của mình trong thương mại sản xuất hàng hóa toàn cầu. Ngày nay, đầu tư trong nước giảm mạnh, xuất khẩu tiêu điều và tăng trưởng GDP giảm xuống 4,5%/năm.

Chưa kể, xu hướng lạm phát kinh niên đang phát triển tại Ấn Độ, do sự chênh lệch giữa nguồn cung tắc nghẽn (bởi cơ sở hạ tầng nghèo nàn) và cầu quá mức (do thâm hụt ngân sách liên tục). Thâm hụt ngân sách tài trợ như bữa ăn miễn phí, bởi lạm phát xói mòn giá trị thực của nợ công, thêm vào đó, chính phủ có quyền tiếp cận với các khoản tiết kiệm tư nhân với lãi suất thực tế gần như bằng không.

Với sự hào phóng của mình, chính phủ Ấn Độ đã trở thành nguồn cung cấp những hợp đồng đem lại thu nhập hàng năm đặc biệt cho những người có quyền lực chính trị. Điều đó làm suy yếu các ưu đãi đáng lẽ được dành cho doanh nghiệp.

Địa vị quốc tế của Ấn độ ngày càng đi xuống, đồng rupee bị định giá quá cao từ đầu năm 2009 đến cuối 2012, giao dịch trong biên độ hẹp, trong khi lạm phát phi mã đối lập với bối cảnh giá cả toàn cầu tương đối ổn định.

Khi khả năng cạnh tranh suy yếu, đồng rupee vẫn được chống đỡ bởi nguồn tiền không ổn định từ nước ngoài. Gần một nửa thâm hụt thương mại Ấn Độ được bù đắp bởi kiều hối từ nước ngoài chuyển về. Một phần của dòng tiền này khá ổn định, nhằm mục đích hỗ trợ cho các gia đình, nhưng đa phần hướng đến đầu tư tìm kiếm lợi nhuận thực. Theo số liệu gần đây, kiều hối đã chậm lại, thậm chí giảm nhẹ.

Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài dài hạn cũng có lý do để dừng lại. Điều này không quá ngạc nhiên, bởi tốc độ tiêu thụ suy giảm trở nên trầm trọng (chẳng hạn, việc tiêu thụ xe hơi đang trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài). Ấn Độ đã bị kéo tụt lại phía sau do phải tập trung tài trợ cho những khoản thâm hụt nước ngoài đang tăng lên thông các khoản vay ngắn hạn, hình thức thất thường nhất của dòng vốn quốc tế.

Như Rudi Dornbusch, giáo sư kinh tế tại Viện công nghệ Massachusett MIT từng cảnh báo, một cuộc khủng hoảng kéo dài đang đến và sẽ còn diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Tỉ giá hối đoái bị định giá quá cao để tăng cường khả năng trả nợ, vậy nên các ngân hàng quốc tế ủng hộ cho sự định giá này, cho đến khi họ rút chạy. Và chính phủ Ấn độ đã đóng một vài trò lớn trong việt thúc đẩy đồng rupee tăng giá bằng cách giảm khả năng cấp tín dụng của các công ty cho vay nước ngoài.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại tỏ ra không quan tâm. Theo các đánh giá hàng năm kết luận, đồng rupee đã được định giá hợp lý.

Với việc đồng rupee bị định giá quá cao, không có một lựa chọn chính sách tốt nào. Để ngăn chặn đà suy giảm và hỗn loạn, chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn cần xây dựng các biện pháp hành chính phù hợp và hạn chế vay nợ nước ngoài.

Một đồng rupee mất giá sẽ giúp phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng cho Ấn độ nhưng với điều kiện không có yếu tố nào bổ sung vào đà đang suy giảm, nếu không tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

Để làm giảm áp lực lạm phát gây ra do đồng rupee suy yếu, giảm bớt chi tiêu chính phủ là điều cần thiết. Nhưng thách thức đến từ việc đồng rupee mất giá sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ nước ngoài, làm sâu sắc thêm những khó khăn của thị trường trong nước và hệ thống ngân hàng.

Để thực hiện được lời hứa của mình, Ấn Độ cần phải nuôi dưỡng một thế hệ mới của tăng trưởng và năng suất lao động. Thời điểm hành động đã đến, nhưng không may, có lẽ phải cần đến một cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng để kích thích phản ứng đó.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện