Nông dân đang vác lúa giống bên ngoài thành phố Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Ấn Độ muốn sản xuất bùng nổ nhưng công nhân lại đang đổ xô về quê
Việc phong toả đột ngột vì đại dịch vào năm 2020 đã khiến công nhân đổ xô từ các thành phố trở về các ngôi làng ở vùng nông thôn Ấn Độ, một cuộc di cư mà nhiều người cho rằng, sẽ dễ dàng cản trở ước mơ trở thành cường quốc công nghiệp hóa của Ấn Độ.
Theo WSJ, số lượng lao động làm việc tại các trang trại ở Ấn Độ đã tăng lên khoảng 60 triệu người trong 4 năm qua, một phần được thúc đẩy bởi chương trình phúc lợi lương thực, vốn đã nuôi sống hàng trăm triệu người. Thậm chí vào năm ngoái, khi phần lớn đất nước đã vượt qua đại dịch, các trang trại của Ấn Độ vẫn tuyển thêm 13 triệu lao động và Thủ tướng Narendra Modi cho biết chương trình lương thực sẽ duy trì trong 5 năm nữa.
Trong khi đó, việc làm trong ngành sản xuất trên toàn quốc vẫn không thay đổi và các nhà máy cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Theo ông Santosh Mehrotra, Nhà kinh tế kiêm Giáo sư tại Đại học Bath, dữ liệu việc làm của chính phủ cho thấy, lực lượng lao động nông nghiệp đang tăng kể từ năm 2019, ông nhận định: “Đây là một thảm họa: Hàng triệu người đang trở lại làm nông, sẽ thay đổi cơ cấu nền kinh tế của chúng ta.”
Chệch quỹ đạo
Xu hướng này khác xa với kỳ vọng của các nhà kinh tế về con đường mà Ấn Độ sẽ đi, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội vượt xa các nền kinh tế lớn khác. Đặc biệt, khi nước này đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, có thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.400 USD, vẫn thấp hơn so với Bangladesh.
Thay vì chứng kiến quần chúng di chuyển tới các nhà máy, một sự thay đổi đã giúp nâng cao mức sống cho hàng triệu người Trung Quốc – Ấn Độ dường như đang phi công nghiệp hóa quá sớm.
Điều đó khiến Ấn Độ có nguy cơ bỏ lỡ những lợi ích từ lực lượng lao động khổng lồ, trong khi phần lớn dân số nước này phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm thường xuyên. Điều đó cũng có nghĩa là thế giới, vốn được hưởng lợi khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa và cung cấp cho người tiêu dùng hàng hóa giá rẻ, có thể không tìm được động cơ tăng trưởng mạnh mẽ tương tự từ Ấn Độ.
Ông Modi từ lâu đã hứa sẽ tạo ra hàng chục triệu việc làm. Tuy nhiên, những chính sách của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trong đó, chương trình cung cấp lương thực miễn phí, mà chính phủ coi là một trong những chương trình phúc lợi lớn nhất thế giới, đang khiến cán cân lợi ích nghiên về nông nghiệp hơn là công nghiệp.
Tại một trung tâm công nghiệp có khoảng 1.000 nhà máy ở thành phố Indore miền trung Ấn Độ, Giám đốc Điều hành Devendra Jain của Công ty Linh kiện ô tô Porwal cho biết, ông từng có khoảng 1.000 thợ hàn, thợ phun sơn và những công nhân lành nghề khác trước đại dịch. Hiện chỉ còn khoảng 700 người và công ty đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các đơn đặt hàng linh kiện cho ngành công nghiệp xe tải và đường sắt. Các nhà cung cấp của ông cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự.
“Hầu như không có công nhân”, ông nói. Ông cho rằng, sự thiếu hụt là do những phúc lợi mà người lao động nhận được ở quê nhà.
Ông Mahesh Khatri, một doanh nhân khác ở bang Haryana phía bắc, gần thủ đô Ấn Độ, đang phải vật lộn để hoàn thành các đơn đặt hàng 10.000 hộp các tông và băng dính mỗi tháng với chỉ 38 công nhân, so với 55 người trước đó.
Theo tính toán của nhà kinh tế Mehrotra, số người làm nông ở Ấn Độ bắt đầu giảm vào khoảng năm 2005, chạm mức dưới 200 triệu người vào đầu năm 2019. Kể từ đó, con số này đã tăng lên hơn 260 triệu, gần bằng với số lượng nông dân mà nước này có hai thập kỷ trước, ở thời kỳ đỉnh cao của việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việc làm ở các thành phố đã giảm gần 9 triệu trong cùng kỳ.
Tăng trưởng không đến từ sản xuất
Sự gia tăng việc làm ở nông thôn diễn ra bất chấp động thái của Thủ tướng Modi cung cấp hàng chục tỉ USD khuyến khích cho các công ty thành lập cơ sở ở Ấn Độ, khi các công ty tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất của họ khỏi Trung Quốc do căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Các nhà kinh tế cho biết, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các biện pháp khuyến khích để thiết lập nhiều cơ sở sản xuất hơn trong các lĩnh vực như điện tử và dược phẩm, nhưng những nhà máy đó vẫn chưa tạo ra sự gia tăng đáng kể về việc làm trên toàn quốc.
Theo Ngân hàng Thế giới, đóng góp của ngành sản xuất vào GDP của Ấn Độ đã giảm từ khoảng 17% hai thập kỷ trước xuống còn 13% vào năm 2022. Ấn Độ chỉ tạo thêm được 5 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất ngay trước khi ông Modi đắc cử, nâng tổng số việc làm như vậy hiện nay lên 65 triệu.
Theo Ngân hàng Trung ương, do hoạt động sản xuất quá mờ nhạt nên nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3, theo Ngân hàng Trung ương nước này và được thúc đẩy bởi các lĩnh vực bao gồm công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính, vốn không cần tuyển nhiều người.
Ông Amit Basole, Giáo sư kinh tế tại Đại học Azim Premji ở Bengaluru, cho biết: “Sự tăng trưởng chủ yếu đến từ các lĩnh vực không sử dụng nhiều việc làm. Vì vậy, mức tăng trưởng việc làm sẽ không bắt kịp với mức tăng trưởng sản lượng cố định.”
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng của chính phủ sẽ thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực xây dựng, vốn là nguồn tăng trưởng việc làm chính vào đầu những năm 2000. Những công việc này có thể phát triển hơn nữa nếu chính phủ tiếp tục chi hàng chục tỉ USD để bổ sung cơ sở hạ tầng thiết yếu mới.
Các chủ nhà máy và công nhân cho biết sự bất mãn của người lao động nhập cư ở các thành phố lớn đã gia tăng trong những năm qua, do tốc độ tăng trưởng việc làm chậm đã hạn chế mức lương trong khi chi phí nhà ở và thực phẩm tăng.
Công nhân tại các nhà máy quy mô nhỏ ở các bang nghèo hơn cho biết họ kiếm được khoảng 10.000-12.000 rupee/tháng, tương đương khoảng 150 USD.
Ông Deepak Porwal, 35 tuổi, người đã trở về ngôi làng của mình ở bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ trong thời gian phong tỏa vào năm 2020, cho biết ông đã nhiều lần cố gắng tìm việc làm ở một thành phố nhưng không tìm được điều gì có ý nghĩa về mặt tài chính. Hiện anh tập trung vào việc trồng trọt trên mảnh đất nhỏ, để trồng đậu nành và làm công việc phụ như đại lý bảo hiểm địa phương, kiếm được tổng cộng khoảng 12.000 rupee mỗi tháng.
“Rất nhiều nhà máy và công ty vẫn đóng cửa. Những người mở cửa trở lại đưa ra mức giá chưa bằng một nửa số tiền họ đã trả ba năm trước”, ông Porwal cho biết.
Có thể bạn quan tâm:
Các quốc gia Châu Phi sẽ thống trị Top 10 khu vực tăng trưởng kinh tế trong năm nay
Nguồn WSJ