Nguồn ảnh: Reuters
Ấn Độ lo sợ Trung Quốc phá hoại hệ thống điện
Cùng với việc thắt chặt các quy định nhập khẩu, Ấn Độ cũng sẽ kiểm tra toàn bộ thiết bị điện được mua từ Trung Quốc. Theo ông RK Singh, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ấn Độ, nguyên nhân là Ấn Độ lo sợ các thiết bị này chứa phần mềm gián điệp và mã độc có khả năng làm tê liệt toàn bộ hệ thống điện. Điều này có khả năng gây thiệt hại nặng cho các hoạt động kinh tế trên toàn quốc.
Cùng với làn sóng tẩy chay hàng Made in China, chính phủ Ấn Độ trong thời gian gần đây đã tăng cường siết chặt kiểm tra chất lượng song song với việc áp dụng hàng loạt mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Qua đó, Ấn Độ muốn tạo điều kiện cho hàng nội địa có khả năng cạnh tranh mạnh hơn với hàng Trung Quốc, đồng thời giảm dần sự lệ thuộc vào quốc gia láng giềng này.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền nước này đối với hàng hóa Trung Quốc từ sau sự kiện bạo lực ở biên giới hai nước vào ngày 15.6.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Singh cũng cho biết Cục Năng lượng Tái tạo Ấn Độ cũng đề xuất đánh thuế vào các thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu kể từ ngày 1.8 tới đây, nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất trong nước.
Ồng Singh cũng cho biết thêm: “Năng lượng điện có vai trò chiến lược và cực kỳ nhạy cảm cho bất kỳ quốc gia nào. Tất cả các ngành công nghiệp đều cần điện, hệ thống thông tin liên lạc và lưu trữ dữ liệu bao gồm cả dữ liệu liên quan đến quốc phòng đều hoạt động nhờ điện năng. Vì vậy, chúng tôi phải xây dựng một bức tường lửa nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trước các quốc gia thù địch hay có thái độ thù địch”.
Ấn Độ sẽ áp mức thuế 25% đối với các môđun năng lượng mặt trời từ tháng 8.2020. Nguồn ảnh: NDTV. |
Thiết lập thêm hàng rào thuế quan, kiểm tra nghiêm ngặt các thiết bị nước ngoài và siết chặt yêu cầu cấp phép đối với hàng nhập khẩu từ các nước đối nghịch là một trong số trọng tâm của cuộc tu chỉnh ngành điện Ấn Độ.
Ông Singh cũng cho biết một số quốc gia là đối thủ hoặc đối thủ tiềm năng sẽ được xác định là “quốc gia tham chiếu trước” và cần có sự cho phép của chính phủ trước khi nhập bất kỳ thiết bị nào từ đó.
Tuy tránh nêu rõ các quốc gia đó là những quốc gia nào, nhưng rõ ràng tuyên bố của Bộ trưởng Bộ năng lượng Ấn Độ nhắm vào các quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ là Pakistan, đặc biệt là Trung Quốc.
“Đã có những báo cáo cho thấy phần mềm gián điện và mã độc được cài đặt trong một số thiết bị điện có khả năng được kích hoạt từ xa nhằm phá hoại hệ thống điện và cả nền kinh tế”. Ông Singh nhấn mạnh, “Vì vậy chúng tôi đưa ra quyết định các thiết bị quan trọng trong hệ thống điện cần phải được sản xuất tại Ấn Độ. Nếu phải nhập khẩu từ nước ngoài, chúng tôi sẽ kiểm tra thật kỹ lưỡng để chắc chắn rằng chúng không chứa bất kỳ phần mềm gián điệp hay mã độc nào".
Trước đây, hệ thống điện của Ấn Độ từng là mục tiêu của các cuộc “tấn công điện tử” được truy xuất nguồn gốc từ nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Nga, Singapore và bao gồm cả các quốc gia nằm trong khối Thịnh vượng chung (CIS).
Theo ông Singh, một Ủy ban nằm dưới sự điều hành của cơ quan điện lực Trung ương đã được thành lập nhằm kiểm tra và rà soát các mối đe dọa điện tử ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Vấn đề này thực sự nghiêm trọng, nó nhạy cảm vì bất kỳ một kẻ thù nào cũng có thể làm tê liệt toàn bộ quốc gia. Tất cả các ngành công nghiệp bao gồm công nghiệp trọng yếu và quốc phòng đều hoạt động nhờ điện năng. Nếu mất điện, chúng ta chỉ có tối đa 12-24 giờ trước khi mọi hoạt động đều ngừng hoàn toàn.
Ông Singh nhấn mạnh: “Đây thực sự là một mối đe dọa hết sức nghiêm trọng".
Bộ Năng lượng Ấn Độ đề xuất áp thuế 25% đối với các môđun năng lượng mặt trời từ tháng 8. Mức thuế này có thể tăng lên 40% từ tháng 4.2022. Mức thuế được đề xuất đối với tế bào quang điện là 15% và sẽ tăng lên 25% vào năm 2022. Mức thuế nhập khẩu 20% cũng được đề xuất áp dụng đối với các bộ biến tần mặt trời.
Trung Quốc chiếm gần 80% nguồn cung cấp môđun ở Ấn Độ. Mức thuế tự vệ 15% đối với việc nhập khẩu pin và môđun năng lượng mặt trời từ Trung Quốc và Malaysia sẽ hết hạn vào cuối tháng 7 tới đây.
Ông Singh cho biết thêm, ngành công nghiệp năng lượng nên ngừng nhập khẩu các sản phẩm đã có nguồn cung trong nước đầy đủ. Theo đó, các nhà phát triển sử dụng thiết bị trong nước sẽ nhận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các công ty cho vay như Power Finance Corp và REC.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ. Nguồn ảnh: World Bank. |
Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ cũng đang hoàn thiện các tiêu chuẩn khó khăn hơn cho ít nhất 370 sản phẩm, để đảm bảo các mặt hàng có thể được sản xuất tại địa phương không được nhập khẩu. Các mặt hàng này bao gồm hóa chất, thép, điện tử, máy móc hạng nặng, đồ nội thất, giấy, máy móc công nghiệp, cao su, thủy tinh, kim loại, dược phẩm, phân bón và đồ chơi bằng nhựa.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm bao gồm đồ nội thất, máy nén cho điều hòa không khí và linh kiện ô tô.
Bộ Thương mại đang đánh giá riêng các biện pháp phi thuế quan như tăng cường kiểm tra sản phẩm và nâng cao chỉ tiêu chất lượng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, trong khuôn khổ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Nhằm thúc đẩy các sản phẩm địa phương, Chính phủ Ấn Độ bắt buộc các nhà cung cấp phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và tránh xa các nhà sản xuất Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Ấn Độ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này trong giai đoạn 2013-2018. Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Ấn Độ, với hoạt động thu mua hàng điện tử, máy móc công nghiệp và hóa chất hữu cơ... đạt gần 70 tỉ USD vào năm ngoái. Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ khoảng 50 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm:
► Trung Quốc có còn là "đại công xưởng" của thế giới?
► Cứng rắn với Ấn Độ, Trung Quốc có vẻ như đã mạo hiểm?
► Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ
Nguồn Money Control