Đàm Hoa Thứ Ba | 14/03/2017 07:30

Ấn Độ lao đao vì gánh nặng nợ xấu ngân hàng

Các nhà chức trách Ấn Độ lo ngại những rắc rối ở khu vực doanh nghiệp và ngân hàng sẽ sớm đặt cả nền kinh tế vào tình thế cam go.

Mặc cho quyết định rút 86% tiền giấy khỏi lưu thông của Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 11 năm ngoái, Ấn Độ vẫn giữ được vị thế nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới khi mới đây, cơ quan thống kê nước này cho biết GDP Ấn Độ tăng trưởng 7% trong quý kết thúc vào tháng 12.2016. Con số này dù thấp hơn 7,4% của quý trước nhưng vẫn cao hơn mức dự báo 6,4% của các chuyên gia kinh tế trong một cuộc khảo sát của Reuters. 

Một quốc gia 1,3 tỉ dân có tốc độ tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm chắc hẳn là tin vui đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và giới chủ ngân hàng nước này. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp đang bận rộn... cắt giảm đầu tư như thể nền kinh tế đang chìm vào suy thoái. Cho vay công nghiệp, vốn từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng tới 30%/năm, nay giảm lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua. Chuyện gì đang diễn ra ở Ấn Độ?

Các vấn đề của Ấn Độ có gốc rễ rất sâu xa. Sau khi tránh được những kết cục tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập niên, dòng vốn đầu tư rót vào đã tăng mạnh do những giả định quá lạc quan về nền kinh tế. Đến nay, nhiều người đi vay đã mất khả năng chi trả nhưng các ngân hàng không muốn thừa nhận sự thật này và tiếp tục bơm vốn để giữ các “xác sống” này tồn tại. Kết quả là bảng cân đối kế toán của cả các ngân hàng lẫn phần lớn doanh nghiệp đang trong tình trạng ngặt nghèo.

An Do lao dao vi ganh nang no xau ngan hang
 

Sau nhiều năm phớt lờ những dấu hiệu nguy hiểm, các nhà chức trách Ấn Độ giờ đang lo ngại rằng rắc rối ở khu vực doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng sẽ sớm đặt cả nền kinh tế Ấn Độ vào tình thế cam go. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) và Chính phủ đã liên tục thúc giục các ngân hàng phải giải quyết mối ung nhọt nợ xấu dai dẳng. Khoảng 191 tỉ USD dư nợ cho vay, tương đương 16,6% toàn hệ thống ngân hàng, giờ được xem là nợ khó đòi, theo các chuyên gia kinh tế tại Yes Bank. Đáng nói, con số này vẫn đang phình to.

Vì ngân hàng và doanh nghiệp luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nên cả hai khu vực này thường rơi vào rắc rối cùng một lúc. Tại nhiều nước trên thế giới, nếu có vấn đề xảy ra, họ phải xử lý ngay tức khắc, nếu không muốn chứng kiến dòng người hoảng loạn xếp hàng dài trước các máy ATM rút tiền ồ ạt. Còn Ấn Độ thì khác. Các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước chiếm khoảng 70% hệ thống và không ai nghĩ rằng Chính phủ sẽ để ngân hàng phá sản. Kết quả là nền kinh tế Ấn Độ cứ bị căn bệnh trầm kha giày vò mà không được trị dứt điểm, khiến bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Hiện tại, lợi nhuận của các ngân hàng đang rất thê thảm, thậm chí chưa kể đến tác động của việc “tính đúng tính đủ” các khoản nợ xấu. Các tổ chức cho vay thuộc sở hữu ngân hàng nhà nước tính chung đang báo cáo lợi nhuận âm. Tình hình của 13 ngân hàng trong số đó được một báo cáo gần đây của Bộ Tài chính đánh giá là “cực kỳ nghiêm trọng”.

An Do lao dao vi ganh nang no xau ngan hang
 

Trong khi đó, các doanh nghiệp do gặp khó khăn về tài chính đã hạn chế hoạt động đầu tư, khiến đầu tư -  một thành phần quan trọng trong GDP - bị sụt giảm mạnh. Ấn Độ thì đang bị thâm hụt thương mại và chính phủ nước này đang tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách. Những điều này khiến cho tiêu dùng trở thành động cơ duy nhất gánh vác trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng. Trước khi Ấn Độ ban lệnh đổi tiền, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng bùng nổ, khoảng 20% hằng năm. Nhưng nay một số đang tự hỏi liệu các khoản cho vay này có trở thành nợ xấu vào ngày mai.

Các ông chủ ngân hàng, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách từng hy vọng vấn đề ở ngành ngân hàng và khu vực doanh nghiệp rồi sẽ tự giải quyết. Họ cứ phớt lờ và tin rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chữa lành mọi căn bệnh. Nhưng không phải như thế: lợi nhuận trên thực tế đang giảm mạnh tại các doanh nghiệp đi vay lớn, nhiều trong số đó hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, khai khoáng, năng lượng và viễn thông. Còn các ngân hàng đã hạn chế cho vay thậm chí cho cả những doanh nghiệp nhỏ. 

Chữa lành vết thương đã mưng mủ từ lâu sẽ không hề dễ dàng. Các ông chủ ngân hàng quốc doanh không dễ gì chịu tái cấu trúc hoặc xóa nợ một phần cho doanh nghiệp. Chấp nhận việc khách hàng đi vay không có khả năng trả được nợ và xóa đi một phần số nợ ấy có thể bị xem là tiếp tay cho cái gọi là “chủ nghĩa tư bản bè phái”. Điều đó có thể thu hút sự chú ý của công luận đối với chi tiêu công của chính phủ. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp lớn bị vỡ nợ lại có mối quan hệ chính trị và bằng cách nào đó một số vẫn được ngân hàng cho vay tiếp.

Vì thế, không ra quyết định nào cả có vẻ như là chuyện dễ làm hơn đối với một ông chủ ngân hàng, nghĩa là gia hạn nợ để người đi vay tiếp tục sống và giả vờ rằng mọi chuyện đều ổn. 

An Do lao dao vi ganh nang no xau ngan hang
 

Ngân hàng có thể chọn cách chuyển nợ thành cổ phần trong một doanh nghiệp nặng nợ. Bởi lẽ, nhiều nhà đầu tư tiềm năng rất muốn hợp tác với ngân hàng để vực dậy các doanh nghiệp tốt. Nhưng nếu không có bộ luật phá sản phù hợp (chỉ mới bắt đầu đi vào thực hiện và sẽ mất nhiều năm mới trở nên hiệu quả) thì tất cả chỉ vô ích.

Nếu các ngân hàng giúp tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp thì các con số lỗ theo sau đó sẽ càng cho thấy tình hình vốn của họ mong manh thế nào. Chính phủ đã cam kết sẽ bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, nhưng cho đến nay chỉ bơm một phần nhỏ trong con số 90 tỉ USD mà tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm nợ Fitch cho rằng là cần thiết để giúp ngân hàng ổn định trở lại. Chính phủ cũng không chịu từ bỏ việc nắm số cổ phần kiểm soát trong các ngân hàng sở hữu nhà nước. Vì thế, các ngân hàng cũng bị giới hạn khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân.

Một cách để phá vỡ nút thắt cổ chai này là lập nên một “ngân hàng xấu”. Ngân hàng xấu này sẽ nhận lãnh các khoản nợ xấu của các ngân hàng, cho phép ngân hàng có thể tập trung vào các khoản cho vay mới. Viral Acharya, Phó Thống đốc RBI, gần đây đã đề xuất các phương thức để tạo điều kiện chuyển các khoản vay khó đòi ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, như vậy sẽ giúp ngân hàng ký các thương vụ cho vay hợp lý. Cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ, ông Arvind Subramanian, đề nghị rằng một ngân hàng xấu nên do khu vực tư nhân điều hành.

Dù có nhiều vấn đề nhưng ít nhất ngành ngân hàng Ấn Độ tương đối nhỏ so với quy mô toàn bộ nền kinh tế và các khoản nợ xấu đều mang tính tập trung. Một cơ sở dữ liệu được thu thập bởi Ashish Gupta thuộc Ngân hàng Credit Suisse cho thấy hơn 100 tỉ USD nợ xấu tập trung ở chỉ 10 người vay. Điều đó sẽ giúp đơn giản hóa việc sắp xếp bất kỳ thương vụ nào cho dù các khoản nợ vay trải rộng ở nhiều ngân hàng.

Tuy nhiên, việc quyết định ai sẽ là người gánh lỗ - định ra mức giá nào mà ngân hàng xấu có thể mua lại tài sản - sẽ rất khó khăn. Thời điểm sắp tới khiến các nhà chức trách càng thêm lưỡng lự. Bởi lẽ, các cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra trong năm 2019, trong khi lập ngân hàng xấu sẽ mất nhiều thời gian. Giải cứu ngân hàng và doanh nghiệp chắc chắn sẽ không được đánh giá cao trong các cuộc trưng cầu ý kiến. Có lẽ, họ cũng khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của việc tiếp tục lờ đi các vấn đề thêm một thời gian nữa và chấp nhận trả một cái giá đắt hơn sau đó.

Đàm Hoa

Nguồn Tổng hợp