Thứ Tư | 20/11/2013 21:42

Ấn Độ Hướng Đông: Hướng về Nhật, Hàn hay Việt Nam?

Ấn Độ đang thực hiện chính sách Hướng Đông của của mình và Việt Nam là một trụ cột trong chính sách đó.

Những nhân tố về chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế... đang biến châu Á-Thái Bình Dương thành một khu vực năng động. Nhận thấy điều đó, Ấn Độ đang thực hiện chính sách Hướng Đông của của mình và Việt Nam là một trụ cột trong chính sách đó.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Radha Krishna Mathur tại Đối thoại Quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ lần 8 diễn ra tại TP.HCM ngày 8/11 vừa qua. Tại cuộc Đối thoại, ông Mathur một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giữa hai nước trong chính sách Hướng Đông đang được Ấn Độ triển khai.

Chính sách này là nỗ lực xây dựng quan hệ kinh tế và chiến lược sâu rộng với các quốc gia Đông Nam Á, nhằm củng cố vị thế của Ấn Độ trong khu vực và là một phần quan trong trong chiến lược dài hạn của nước này.

Thời gian qua, New Delhi cũng từng nhiều lần tuyên bố có lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải tại khu vực nói chung, Biển Đông nói riêng. Theo ông Mathur, Ấn Độ luôn chú trọng phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt trong đó có lĩnh vực quốc phòng, cả trên bình diện song phương và đa phương với Việt Nam. Ông cho rằng 2 nước có nhiều điểm tương đồng, chia sẻ nhiều lợi ích cũng như thách thức chung, cùng có tầm nhìn chung về sự phát triển hợp tác quốc phòng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 19/11

Hợp tác quốc phòng giữa hai bên đã được khẳng định bằng chuyến thăm của Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đỗ Bá Tỵ hồi cuối tháng 9/2013 vừa qua.

Trong nội dung hội đàm, Chủ tịch Hội đồng các Tham mưu trưởng Ấn Độ Norman Anil Kumar Brown khẳng định, Việt Nam đóng vai trò quan trọng và là đối tác hàng đầu của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, Ấn Độ rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, trong đó có quan hệ quốc phòng.

Ngoài việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Ấn Độ còn tiến hành hợp tác trên nhiều mặt, trong đó có khai thác dầu khí trên Biển Đông.

Hồi năm 2012, Tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) quyết định thăm dò và khai thác dầu tại lô dầu 128 ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa hai bên được nâng lên tầm cao mới bằng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Ấn Độ ngày 19/11/2013.

Ấn Độ tăng cường hợp tác với châu Á-Thái Bình Dương

Không chỉ tăng hợp tác với Việt Nam trong chiến lược Hướng Đông của mình, hiện nay Ấn Độ còn tiến hành hợp tác nhiều mặt với hàng loạt quốc gia châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Những nước này muốn có quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải.

Những cuộc đối thoại ba bên Ấn-Nhật-Mỹ thường tập trung vào những vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hợp tác an ninh.

Với sự chuyển đổi trọng tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ đang tìm kiếm một vai trò định hình tiến trình chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh trong khu vực. Không làm như vậy có thể ảnh hưởng lớn đến lợi ích của Ấn Độ.

Chiến lược của Ấn Độ phải tìm cách can dự và liên kết kinh tế sâu hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đặc biệt, Ấn Độ phải tham gia các cuộc đối thoại an ninh và các tiến trình trong khu vực. Ấn Độ có uy tín cao trong ASEAN và khu vực Đông Á. Ấn Độ và ASEAN đã nâng quan hệ đối tác lên mức chiến lược, song cần làm sâu sắc hơn mối quan hệ này.

Nguồn Báo Đất Việt


Sự kiện