Thứ Ba | 30/10/2012 14:45

Ấn Độ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 4,25%

Ấn Độ đang thực hiện một loạt biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng trong đó có giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ vừa giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 4,25% từ 4,5% cho các ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Với lượng dự trữ bắt buộc được giảm, các ngân hàng sẽ có thêm thanh khoản khoảng 175 tỷ rupee (3,2 tỷ USD). Lần cắt giảm thứ tư trong năm nay đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc về thấp nhất trong vòng 36 năm trở lại đây.

Dù phía bộ tài chính Ấn Độ có đề xuất giảm lãi suất nhưng ngân hàng trung ương nước này cho biết sẽ nới lỏng vào quý I/2013 khi lạm phát 8% hiện nay có dấu hiệu giảm. Ngân hàng trung ương cũng dự báo lạm phát vào tháng3/2013 sẽ là 7,5% chứ không phải 7% như ước tính ban đầu. Do đó, họ không có nhiều cơ hội để giảm lãi suất.

Ấn Độ mong muốn hỗ trợ tăng trưởng vì thời gian vừa qua họ đã phải giảm mức dự báo tăng trưởng tới tháng 03 năm 2012 xuống 5,8% từ mức 6,5% do xuất khẩu ít đi và hậu quả của suy giảm nông nghiệp.

Các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, ngoài giảm dự trữ bắt buộc, còn có cả việc trợ giá dầu diesel 14% và giới hạn giá khí gas dùng để nấu ăn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng mở cửa hơn nữa các ngành như bán lẻ, cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, chính phủ phải giải quyết bài toán tài khóa khi thâm hụt ngân sách đã ở mức 5,8% lớn nhất tại các thị trường mới nổi cho năm tài khóa kết thúc vào tháng3 vừa rồi. S&P dự đoán thâm hụt sẽ lên 6%cho năm tài khóa kết thúc tháng3 tới đây.

Nguồn Bloomberg/Khampha


Sự kiện