Ảnh: Getty Images.
Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027
Theo CNBC, Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết nước này có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027 với tổng sản phẩm quốc nội đạt 5.000 tỉ USD.
Các dự báo này được đưa ra trước thời điểm công bố ngân sách tạm thời vào cuối tuần này.
Trong một báo cáo công bố hôm 29/1, Bộ tài chính cho biết nền kinh tế Ấn Độ sẵn sàng tăng trưởng ở mức bằng hoặc trên 7% trong năm tài chính 2024. Năm tài chính của Ấn Độ bắt đầu vào ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 31/3. Nếu đạt được mục tiêu năm nay, đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp Ấn Độ đạt mức tăng trưởng GDP 7%. GDP của nước này hiện ở mức 3,7 nghìn tỉ USD.
Cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ, V Anantha Nageswaran, cho biết mục tiêu của chính phủ là trở thành nước phát triển vào năm 2047.
Ông Nageswaran cho biết trong báo cáo: “Sự mạnh mẽ của nhu cầu trong nước, cụ thể là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, bắt nguồn từ những cải cách và biện pháp được chính phủ thực hiện trong mười năm qua”.
Ông cho biết đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số đã giúp thúc đẩy phía cung và sản xuất. Do đó, tăng trưởng GDP thực tế có thể sẽ đạt gần 7% trong năm tài chính 2025, ông nói thêm.
Ngân sách Liên minh Ấn Độ, do Bộ Tài chính quy định cho năm tài chính tiếp theo, sẽ được công bố sau cuộc tổng tuyển cử từ tháng 4-5 năm nay - ngân sách tạm thời sẽ được Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman trình bày vào ngày 1/2 và có thể sẽ không bao gồm bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách chi tiêu hoặc thuế.
Theo Goldman Sachs, Ấn Độ sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075, vượt qua không chỉ Nhật và Đức mà cả Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật và Đức.
Trước thông tin đó, thị trường chứng khoán nước này đã trở nên lạc quan và có khởi đầu tích cực trong năm nay, theo đó, chỉ số Nifty 50 đã tăng hơn 20% vào năm 2023. Trong tháng này, chỉ số này lần đầu tiên vượt mức 22.000.
Sự lạc quan ngày càng tăng về triển vọng tăng trưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới cũng như tính thanh khoản cao hơn và sự tham gia nhiều hơn của người dân trong nước là những yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, rất có thể là trong nửa cuối năm - điều này có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán cũng như tạo động lực cho mức chi tiêu cao hơn trong nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm:
Những "cơn sóng ngầm" nào có thể khiến đế chế Apple lung lay?
Nguồn CNBC