Ấn Độ đang thoát nghèo bằng công nghệ như thế nào?
Tại hội trường Vigyan Bhavan chật kín hơn 1.000 doanh nhân khởi nghiệp trẻ tuổi, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã tuyên bố Ấn Độ đang trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Hội nghị diễn ra tại New Delhi vào giữa tháng 1.2016 này là sự kiện mới nhất trong hàng loạt sự kiện cho thấy niềm tin của ông Modi rằng “phép màu” công nghệ có thể giúp Ấn Độ vượt qua nhiều thách thức kinh tế - xã hội.
Sự hồ hởi này cũng là dễ hiểu. Cư dân trực tuyến của Ấn Độ đã tăng mạnh vượt qua con số 400 triệu người vào năm 2015, qua mặt cả Mỹ và đưa Ấn Độ xếp hàng thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Được “tiếp sức” bởi giới trẻ say mê smartphone, con số này có thể đạt tới 600 triệu người vào năm 2020. Các số liệu chính thức hồi tháng 12.2015 cũng cho thấy lượng thuê bao di động đã vượt 1 tỉ thuê bao.
Những con số ấn tượng này đã giúp khơi mào cho một cuộc bùng nổ start-up công nghệ vào năm ngoái, thu hút dòng vốn đầu tư kỷ lục từ các công ty đầu tư mạo hiểm và hấp dẫn các đại gia Thung lũng Silicon như Google và Twitter. Tuy nhiên, ông Modi hy vọng rằng việc số người sử dụng internet tăng mạnh có thể tạo ra một tác động sâu sắc hơn thế: thúc đẩy tăng trưởng giữa lúc Ấn Độ đang nổi lên là một điểm sáng hiếm hoi trong số các thị trường mới nổi vốn đang loạng choạng, trong khi giúp nước này vượt ra được một số thách thức xã hội, đặc biệt là tình trạng đói nghèo.
“Đó là cơ hội ngàn năm có một. Nếu Ấn Độ giải quyết các vấn đề như tăng trưởng, y tế, giáo dục hay việc làm, không có cách nào khác ngoài việc khai thác công nghệ một cách triệt để”, tỉ phú phần mềm Nandan Nilekani, nhà sáng lập tâp đoàn công nghệ Infosys, nhận xét.
Thực vậy, các tập đoàn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đã rót hơn 5 tỉ USD vào các start-up công nghệ Ấn Độ trong năm 2015, theo VCCEdge, hơn gấp đôi con số của năm trước đó. Các công ty trong nước vô danh trước đây như dịch vụ ứng dụng taxi Ola và nhà bán lẻ trực tuyến Flipkart đã được định giá ở mức cao kỷ lục và thu hút sự quan tâm của thế giới. Đợt huy động vốn mới nhất của Flipkart đưa công ty này được định giá ở mức tới 15 tỉ USD.
“Quá sốt giá. Ai nấy cũng đều đặt cược rằng những công ty mà họ đã đầu tư sắp tới sẽ trở thành những ngôi sao sáng hơn bất kỳ công ty nào khác”, Nikesh Arora, Chủ tịch tập đoàn SoftBank, một trong những nhà hỗ trợ tài chính nổi tiếng cho các công ty công nghệ Ấn Độ, nhận xét.
Những công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ cũng đã bắt đầu quay sang Ấn Độ, như Facebook, Amazon, Netflix, Google đều đang đầu tư rất lớn. Netflix là người chơi mới nhất trong cuộc viễn chinh này. Công ty vừa tung ra dịch vụ tải video trực tuyến trong một đất nước mà có thể trở thành thị trường lớn nhất của nó xét về số người sử dụng. Facebook cũng kỳ vọng sẽ đạt được cột mốc này sớm nhất là vào năm tới.
Giấc mơ của các công ty này cũng là giấc mơ của ông Modi. Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2014, ông Modi đã nhấn mạnh đến triển vọng kỹ thuật số của Ấn Độ. Vào tháng 7 năm ngoái, ông đã tung ra chương trình về một “Digital India” (Ấn Độ kỹ thuật số) để xây dựng mạng lưới băng thông rộng quốc gia và đưa các dịch vụ công lên mạng.
Tại hội nghị tổ chức ở New Delhi vừa qua, ông Modi đã không làm các start-up thất vọng khi cho biết Chính phủ Ấn Độ sẽ hỗ trợ các start-up bằng cách không chỉ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, như xúc tiến nhanh hơn nữa các thủ tục đăng ký bằng sáng chế, đưa ra cơ chế mới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ... Ông cũng cho biết các start-up không phải đóng thuế đối với lợi nhuận kiếm được trong 3 năm đầu mà còn được miễn thuế chuyển nhượng vốn.
Ông Modi làm tất cả với niềm tin rằng công nghệ sẽ đưa Ấn Độ thoát nghèo và hướng đến vị thế một quốc gia thu nhập trung bình trong thập niên tới. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,4% trong quý gần nhất là một ví dụ rõ ràng. Ấn Độ đang trong giai đoạn đầu của một cơn sốt chi tiêu công nghệ khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp “ngốn” mọi thứ từ smartphone đến robot và các hệ thống phần mềm. Đầu tư công nghệ dự kiến sẽ tăng gấp hơn 3 lần lên mức 238 tỉ USD vào năm 2023, đặc biệt ở những lĩnh vực như viễn thông và các dịch vụ tài chính.
Kết quả sẽ là cải thiện được năng suất, đẩy tăng trưởng hàng năm lên thêm 2 điểm phần trăm, theo tính toán của Goldman Sachs. “Đó là một thời điểm rất quan trọng. Chúng ta đang có một số điều kiện thuận lợi là chi phí công nghệ đang giảm và số người trẻ mê công nghệ đang tăng nhanh mà tầng lớp dân số trẻ này sẵn sàng khai thác công nghệ một cách vĩ đại”, Tushar Poddar, chuyên gia kinh tế về Ấn Độ tại Goldman Sachs, nhận định.
Gần xấp xỉ 500 triệu smartphone mà người Ấn Độ dự kiến sở hữu vào năm 2018 có thể sẽ được cài các ứng dụng liên quan đến các dịch vụ công, như ứng dụng trả tiền trợ cấp xăng dầu vào các tài khoản ngân hàng được tạo ra cho những người nghèo hơn ở Ấn Độ. Gần 200 triệu tài khoản đã được mở ra kể từ khi ông Modi lên nắm quyền, trong đó nhiều người tiếp cận tài khoản thông qua thiết bị di động. Cơ chế chuyển tiền phúc lợi trực tiếp tương tự, về lý thuyết, có thể tiết kiệm hàng tỉ USD bằng cách thay thế các chương trình phúc lợi kiểu cũ kém hiệu quả.
Các doanh nhân khởi nghiệp và các nhà làm chính sách cũng đang kỳ vọng việc sở hữu smartphone đại trà có thể giúp giải quyết các vấn đề xã hội từ việc đưa y tế đến với vùng nông thôn cho đến việc dạy chữ cho trẻ em.
Chẳng hạn, ông Nilekani, Infosys, đang phát triển một ứng dụng giúp trẻ em trường tiểu học trên cả nước nâng cao kỹ năng đọc và số học thông qua start-up mới đây nhất của ông gọi là EkStep. Với “phép màu” công nghệ, một số những người ủng hộ ông Modi tin rằng các ý tưởng được phát triển tại Ấn Độ có thể là một mô hình học hỏi cho những nước đang phát triển khác.
Nhưng trước khi tầm nhìn vĩ đại như thế có thể thành hiện thực, Ấn Độ phải giải được vấn đề hóc búa: sự lệch pha giữa triển vọng xán lạn mà một dân số internet mang lại với cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém.
Ngay cả những thống kê số người sử dụng internet nói trên cũng không thực sự ấn tượng như vậy. Chỉ khoảng ¼ trong tổng số 400 triệu người sử dụng internet của Ấn Độ là có kết nối băng thông rộng, trong đó chỉ 20 triệu được kết nối tốc độ nhanh. Số người mua sắm trực tuyến cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 15% trong tổng số người sử dụng ở nước này, theo India Infoline.
Ấn Độ có hệ thống đường sá yếu kém, chi phí vận chuyển đường hàng không quá đắt đỏ và dịch vụ bưu điện không hiệu quả, buộc các doanh nghiệp phải tự phát triển hệ thống hậu cần rất tốn kém. Đó là chưa nói đến các thủ tục hành chính và luật thuế vẫn còn nhiều bất hợp lý. Các quy định phức tạp liên quan đến vấn đề quy hoạch, chẳng hạn, là lý do khiến Ấn Độ chỉ mới lắp đặt 15 triệu km cáp quang internet vào năm ngoái, chỉ bằng 1/10 con số của Trung Quốc.
“Thực sự là làm thương mại điện tử ở Ấn Độ khó hơn nhiều so với ở Trung Quốc”, Vijay Sharma, nhà sáng lập nền tảng thương mại trực tuyến Paytm, nhận xét.
Tuy nhiên, một vài trong số những vấn đề này có thể sẽ thay đổi, theo Ankit Agarwal, đứng đầu bộ phận các sản phẩm viễn thông tại Sterlite Technologies, một trong những nhà cung cấp sợi băng thông lớn nhất Ấn Độ. Nhà máy của Sterlite ở Aurangabad, một trung tâm sản xuất cách Mumbai 300 km, đang làm tăng ca. Những cuộn dây cáp quang tại nhà máy đã sẵn sàng để giao cho các công ty viễn thông trong nước phục vụ việc nâng cấp mạng.
Tuy nhiên, khoản chi tiêu này sẽ chủ yếu rót vào các đô thị, nghĩa là vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề kết nối internet khu vực nông thôn, nơi có 850 triệu dân sinh sống. Tại đây chưa tới một nửa dân số có sở hữu thiết bị di động và việc sử dụng internet vẫn còn hiếm. Năm ngoái, ông Modi đã tung ra một chương trình kết nối băng thông cho khu vực nông thôn trị giá 9 tỉ USD để kết nối 250.000 ngôi làng, nhưng số liệu cho thấy kết quả của chương trình vẫn chưa đạt được mục tiêu đặt ra.
“Digital India là một khẩu hiệu hay. Nhưng triển khai luôn là phần khó nhất tại Ấn Độ”, Dhruva Jaishankar, thuộc chương trình châu Á của tổ chức German Marshall Fund, nhận xét.
Thị trường trực tuyến Ấn Độ sẽ trị giá 137 tỉ USD vào năm 2020, theo Morgan Stanley, từ mức 11 tỉ USD vào năm 2013. Nhưng nếu các nỗ lực đưa công nghệ đến với nhiều người dân, nhiều khu vực hơn bị thất bại, đất nước này sẽ đối mặt với rủi ro trở thành một gã khổng lồ internet “2 tốc độ”. Nghĩa là một phần dân số tận hưởng được dịch vụ và tốc độ internet cao ngang với các nền kinh tế công nghiệp, trong khi phần còn lại bị bỏ lại đằng sau.
Đàm Hoa
Nguồn FT / Daily Mail