Thứ Ba | 12/04/2016 14:24

Ấn Độ đang “khát” dầu hơn cả Trung Quốc

Trong thế giới năng lượng, Ấn Độ đang trở thành Trung Quốc mới.

Đất nước đông dân thứ 2 thế giới đang ngày càng trở thành trung tâm về tăng trưởng nhu cầu dầu thô khi nền kinh tế này tăng trưởng bằng cách thu hút mô hình sản xuất mà Trung Quốc đang cố né tránh. Và tương tự Trung Quốc một thập kỷ trước, Ấn Độ đang cố gắng phòng hộ nhu cầu năng lượng trong tương lai bằng việc đầu tư vào hoạt động sản xuất nội địa và ở nước ngoài.

Ấn Độ có thể có một lợi thế mà người hàng xóm ở phía đông bắc không có. Trong khi việc Trung Quốc tăng dự trữ dầu thô diễn ra trong siêu chu kỳ hàng hóa - chứng kiến giá dầu WTI của Mỹ lên đỉnh 147,27 USD/thùng năm 2008 - thì đà tăng tốc của Ấn Độ lại diễn ra vào thời điểm giá dầu đang lao dốc. Giá dầu giảm hơn 50% kể từ mức đỉnh giữa năm 2014 đã giúp quốc gia Nam Á này tiết kiệm được 60 tỷ USD tiền nhập khẩu dầu thô trong năm 2015 so với năm 2014 ngày cả khi lượng nhập khẩu tăng 4%.

Amrita Sen, nhà phân tích dầu thô tại hãng tư vấn Energy Aspects ở London, nhận định, cùng với động lực từ việc giá dầu giảm, những thay đổi về cấu trúc và chính sách cũng sẽ giúp đẩy tăng nhu cầu dầu thô tại Ấn Độ theo cách thức tương tự đối với Trung Quốc trong giai đoạn cuối những năm 1990 khi nhu cầu dầu thô của Trung Quốc ngang bằng với nhu cầu hiện nay của Ấn Độ.

Cơn khát năng lượng của Trung Quốc đã khiến các công ty nước này lao vào việc thu mua chưa từng có với tổng tài sản năng lượng trị giá 169 tỷ USD ở nước ngoài trong 10 năm qua, theo số liệu của Bloomberg.

Nhu cầu dầu thô của Ấn Độ tăng lên cùng với sự tái xuất của Iran - từng là nước sản xuất dầu thô lớn thứ 2 OPEC cho đến khi các lệnh trừng phạt được áp đặt. Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan trong tháng này sẽ dẫn một đoàn đại biểu sang Iran để bàn về việc hợp tác với quốc gia vùng Vịnh này trong việc phát triển cảng biển tại Chabahar, gần biên giới Iran với Pakistan và cách 800 km từ bờ biển phía tây của Ấn Độ. Hai nước cũng đang thảo luận việc thành lập khu vực kinh tế và dự án chung về các nhà máy phân bón và hóa dầu.

Năm 2014, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á - tiêu thụ 4 triệu thùng dầu, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và được dự đoán sẽ vượt Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong năm nay về tiêu thụ dầu thô. Ấn Độ sẽ là nước tiêu thụ dầu thô tăng trưởng nhanh nhất thế giới vào năm 2040, theo IEA, tiêu thụ 6 triệu thùng/ngày so với 4,8 triệu thùng của Trung Quốc.

Tương tự Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ do ngành sản xuất dẫn dắt. Chiến dịch “Make in India” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tạo ra thêm 100 triệu việc làm nhà máy và tăng tỷ trọng của lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế lên 25% từ 18% khi ông nhậm chức năm 2014.

Lĩnh vực sản xuất đang đẩy tăng tiêu thụ dầu thô cả bằng việc tăng lượng hàng hóa sản xuất ra - cần được vận chuyển bằng đường biển và đường bộ cũng như nâng cao mức sống của công nhân. Mức lương tăng đã cho phép người Ấn Độ mua lượng xe hơi cao kỷ lục 24 triệu chiếc trong năm 2015.

Hiện Ấn Độ đang phải nhập khẩu 80% nhu cầu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ, do vậy, nước này sẽ đi theo con đường của Trung Quốc là đầu tư vào tài sản sản xuất năng lượng. Các công ty Ấn Độ đã cam kết chi 3 tỷ USD để mua tài sản ở nước ngoài trong quý IV/2015, mức cao nhất kể từ năm 2012, theo số liệu của Bloomberg. Nhiều công ty Ấn Độ cũng đã đề xuất trả 5 tỷ USD cho các giếng dầu khí tại Siberia.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang phát triển nguồn năng lượng nội địa. Hãng thăm dò Oil & Natural Gas Corp của Ấn Độ mới đây đã thông qua việc chi thêm 5 tỷ USD để phát triển một giếng dầu ngoài khơi bờ biển phía đông nước này ngay cả khi các hãng dầu mỏ thế giới trì hoãn các dự án trị giá 380 tỷ USD. Việc đầu tư này sẽ giúp tăng 10% sản lượng dầu thô và 18% sản lượng khí đốt thiên nhiên của Ấn Độ, theo số liệu của Bloomberg.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg