Ấn Độ sẽ trở thành cái tên có tầm ảnh hưởng đáng kể trên thị trường hàng hoá. Ảnh: CNBC.
Ấn Độ có thể lấp khoảng trống nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc
Trong khi nhiều chuyên gia kinh tế đang cảm thấy lo ngại bởi tốc độ tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa toàn cầu, thì Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) cho rằng Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc bù đắp vào khoảng trống mà nền kinh tế thứ 2 thế giới bỏ lại.
Đã có nhiều dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào cuối thập kỷ nếu quốc gia này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng như hiện nay. Điều đó có nghĩa là nhu cầu hàng hóa của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên và có thể bù đắp phần nào vào sự thiếu hụt mà Trung Quốc để lại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Nhu cầu tiêu thụ của quốc gia Nam Á đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng, được hỗ trợ bởi các yếu tố như nhân hậu học thuận lợi, quá trình đô thị hóa, mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng như xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, theo nghiên cứu của ANZ.
Trong năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với tỉ lệ đô thị hóa dự kiến tăng từ mức 35% lên 40% vào năm 2030. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại công nghiệp và hàng hóa năng lượng, vốn thường được gắn liền với sự gia tăng về cơ sở vật chất và sản xuất.
Tuy nhiên, nếu nhu cầu năng lượng ngày càng lớn thì những nỗ lực tăng cường giảm phát thải carbon vào năm 2030 có thể sẽ là một thử thách cho Ấn Độ.
ANZ ước tính, nhu cầu hàng năm của Ấn Độ đối với những mặt hàng như dầu mỏ, than đá, khí đốt, đồng, nhôm và thép, sẽ tăng trung bình hơn 5% trong giai đoạn từ đây đến năm 2030. Ngược lại, nhu cầu của Trung Quốc đối với những mặt hàng trên dự đoán sẽ chậm lại từ 1-3%, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng GDP có khả năng giảm xuống 3,5% vào cuối thập kỷ này. Được biết, GDP quý II của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 7,3%.
Nhìn sâu về lĩnh vực năng lượng, ANZ nhận định nhu cầu đối với dầu mỏ và than đá của Ấn Độ sẽ tăng lên rõ rệt, nhất là trong bối cảnh 80% lượng dầu mỏ của nước này là từ hoạt động nhập khẩu. Bên cạnh đó, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của quốc gia Nam Á ước tính tăng gần 5% lên 233.805 tấn vào năm 2030, theo dự án của Cơ quan Phân tích và Lập kế hoạch Dầu mỏ của Ấn Độ.
Trên một phương diện khác, nếu tăng trưởng của Trung Quốc không chậm lại, ANZ vẫn cho rằng Ấn Độ có thể sẽ bù đắp khoảng 60% nhu cầu than và 66% đối với dầu mỏ cho sự thiếu hụt mà Trung Quốc không dùng đến vào năm 2030.
Chính phủ Ấn Độ cũng ngày càng chú trọng vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng và đầu tư vốn. Như vậy, nhu cầu về thép và sắt sẽ tăng lên ở Ấn Độ. Nhu cầu đối với kim loại và hàng rời cũng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, “khoảng trống” lớn do Trung Quốc để lại đối với nhu cầu thép và nhôm thì khó có thể lấp đầy. Nhu cầu của Ấn Độ đối với mặt hàng này chưa thể nào so sánh được với Trung Quốc, bởi vì quy mô tiêu thụ ở nền kinh tế thứ 2 thế giới là cực kỳ lớn. Theo thống kê của ANZ, Trung Quốc tiêu thụ hơn 50% sản lượng thép và kim loại công nghiệp trên toàn cầu.
Nhận định của ANZ cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì vị thế “gã khổng lồ” trên thị trường hàng hóa trong khi Ấn Độ trở thành cái tên có tầm ảnh hưởng đáng kể.
Có thể bạn quan tâm:
Singapore sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ hàng đầu châu Á
Nguồn CNBC