Hiện tại, Amazon chỉ chiếm khoảng 25% doanh số thương mại điện tử tại Ấn Độ. Ảnh: The Economist.
Amazon lép vế trên sân chơi toàn cầu
Việc Amazon, "đế chế" thương mại điện tử lớn nhất thế giới, phải đóng vai trò kẻ bám đuổi trong ngành của chính mình là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, đây chính xác là những gì đang diễn ra tại Ấn Độ. Tháng trước, Amazon thử nghiệm dịch vụ giao hàng siêu tốc (quick-commerce) tại Bangalore, giao nhiều loại mặt hàng chỉ trong vài phút. Thế nhưng, hãng này đã chậm chân nhiều năm so với các đối thủ như Swiggy, Zepto và Zomato, vốn đã chiếm lĩnh thị trường từ lâu.
10 năm trước, tỉ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, từng xuất hiện tại Bangalore với một tấm séc 2 tỉ USD, cho thấy tham vọng thống lĩnh thị trường Ấn Độ. Nhưng thực tế không dễ dàng. Hiện tại, Amazon chỉ chiếm khoảng 25% doanh số thương mại điện tử tại Ấn Độ, đứng sau Flipkart, đối thủ bản địa do Walmart sở hữu với 33% thị phần. Tại Đông Nam Á, Amazon cũng lép vế trước Shopee, Tokopedia và Lazada. Ở Nam Mỹ, MercadoLibre, công ty Argentina, là cái tên dẫn đầu.
Các tập đoàn internet Mỹ từng được kỳ vọng sẽ chinh phục toàn cầu. Khi thị trường Trung Quốc đóng cửa, những công ty này hướng đến các thị trường đang phát triển. Dù một số như Google và Meta đã thành công, nhiều cái tên khác đã thất bại, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử, gọi xe và thanh toán kỹ thuật số, những lĩnh vực đòi hỏi sự am hiểu địa phương và hiện diện thực tế. Uber từng đặt mục tiêu biến “việc di chuyển trở nên đáng tin cậy như nước máy, ở mọi nơi, cho mọi người”, nhưng phải rút khỏi Đông Nam Á năm 2018 sau khi lỗ hơn 700 triệu USD. PayPal cũng gặp khó khăn dù thanh toán số tại đây đang bùng nổ.
Trước đây, các công ty tại các nước đang phát triển thường sao chép mô hình của Mỹ rồi điều chỉnh phù hợp với địa phương. MercadoLibre và Flipkart đã xây dựng mạng lưới logistics tại những nơi cơ sở hạ tầng còn yếu kém. MercadoLibre dùng xe máy để xử lý tình trạng ùn tắc, còn Flipkart áp dụng phương thức "giao hàng nhận tiền mặt" nhằm giảm tâm lý e ngại thanh toán trực tuyến. Hiện nay, các công ty địa phương không chỉ điều chỉnh mà còn sáng tạo, thậm chí dạy lại các "ông lớn" Mỹ.
Một ví dụ là thương mại siêu tốc. Cơn sốt giao hàng trong 10 phút đã giảm nhiệt ở phương Tây nhưng lại bùng nổ tại Ấn Độ. Các thành phố đông đúc với giao thông tắc nghẽn trở thành môi trường lý tưởng cho dịch vụ này nhờ đội ngũ giao hàng hai bánh và hệ thống nhà kho nhỏ gọn. Không chỉ thực phẩm, dịch vụ còn giao cả quần áo, đồ điện tử và vàng miếng. Theo Bernstein, doanh số thương mại siêu tốc tại Ấn Độ có thể đạt 7,2 tỉ USD vào năm 2024, tăng mạnh so với 200 triệu USD năm 2021.
Ngân hàng số cũng là một lĩnh vực nổi bật. Tại các nước đang phát triển, ngân hàng số đang chiếm thị phần lớn. Nubank của Brazil có hơn 100 triệu khách hàng, tương đương hơn nửa dân số trưởng thành, và mở rộng nhanh tại Nam Mỹ. Họ tập trung vào nhóm khách hàng bị các ngân hàng truyền thống bỏ qua do chi phí vận hành cao. Meesho, nền tảng thương mại điện tử nhắm đến các thành phố nhỏ tại Ấn Độ, cũng thành công nhờ chiến lược này, trở thành công ty thương mại điện tử lớn thứ ba tại nước này.
Thương mại xã hội, sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí, cũng đang bùng nổ tại Đông Nam Á, nơi hầu hết mua sắm trực tuyến diễn ra trên điện thoại. Theo ông Jianggan Li, CEO Momentum Works, các nền tảng thương mại điện tử truyền thống phải chi rất nhiều tiền để thu hút người dùng, trong khi thương mại xã hội giữ chi phí thấp nhờ vào việc người dùng đến để giải trí và ở lại để mua sắm.
TikTok Shop, ra mắt năm 2021, cho phép người dùng mua sắm ngay trên ứng dụng, đạt doanh số 20 tỉ USD vào năm 2023, với 3/4 đến từ Đông Nam Á. Tại Indonesia, sự thành công của mô hình này thậm chí khiến chính phủ phải can thiệp để bảo vệ tiểu thương.
Dù không phải tất cả các sáng tạo này đều phù hợp với phương Tây, nhưng chúng là lời cảnh báo cho các "ông lớn" công nghệ Mỹ. Ông Kevin Aluwi, nhà đồng sáng lập Gojek, nhấn mạnh rằng sự chậm trễ trong việc nhận diện những ý tưởng từ các thị trường địa phương có thể khiến các tập đoàn phải trả giá đắt.
Có thể bạn quan tâm:
Bài toán điện năng lớn của ngành năng lượng Mỹ
Nguồn The Economist