Văn Quốc Thứ Bảy | 04/07/2020 09:17

Amazon: Cây cao hứng gió lớn

Công việc điều hành Amazon của Jeff Bezos chưa bao giờ gian nan như lúc này.

Vị thế khó lung lay trong đại dịch

Mùa hè 1995, Jeff Bezos cùng với vợ tẩn mẩn đóng gói sách trong một tầng hầm để đem giao cho khách. 25 năm sau, Bezos trở thành một ông trùm của thế giới kinh doanh: đốt tiền vào các dự án không gian (thông qua công ty riêng Blue Origin), mua lại các tờ báo vì thú vui và hơn hết, Amazon, công ty do ông sáng lập, hiện là một tập đoàn đa ngành kỹ thuật số trị giá lên tới 1.300 tỉ USD. Từ một nhà bán sách, Amazon đã trở thành gã khổng lồ trong mảng thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và logistics cho các đơn vị bán hàng bên thứ ba, biến các mảng này trở thành những lĩnh vực kinh doanh mới khổng lồ. Bezos cũng củng cố lòng trung thành của khách hàng bằng các dịch vụ thuê bao như Prime hay trợ lý ảo Alexa.

 

Nay đại dịch COVID-19 đã đẩy cao cơn sốt kỹ thuật số mà cho thấy tầm quan trọng của Amazon đối với cuộc sống thường nhật ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác, bởi vai trò cực kỳ thiết yếu của công ty giá trị lớn thứ 4 thế giới này trong thương mại điện tử, logistics và điện toán đám mây. Cơn sốt kỹ thuật số bùng nổ mạnh mẽ khi người tiêu dùng đổ xô mua số lượng lớn giấy vệ sinh và thực phẩm trong mùa dịch, đẩy doanh số bán quý I/2020 của Amazon tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả hai đối thủ eBay và Costco cũng chứng kiến doanh số bán trực tuyến tăng mạnh trong tháng 5.

Nhu cầu lớn đến nỗi Bezos phải bỏ qua những “lăn tăn” đời thường, tập trung vào công việc điều hành hằng ngày. Amazon đã tuyển dụng 175.000 lao động, trang bị cho nhân viên 34 triệu găng tay và thuê 12 máy bay chở hàng mới, nâng hạm đội máy bay lên tới 82 chiếc. Lực đỡ cho cơn sốt thương mại điện tử là cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và các hệ thống thanh toán. Đây là lĩnh vực Amazon có thế mạnh với “con gà đẻ trứng vàng” Amazon Web Services (AWS). Quý I vừa qua, doanh số bán của AWS đã tăng 33%.

Cơn sốt kỹ thuật số càng củng cố tầm nhìn của Bezos về một thế giới mua sắm trực tuyến, khiến vị thế của Amazon càng không thể lung lay. Đó là lý do giá cổ phiếu Amazon đã liên tiếp lập kỷ lục mới, đạt 2.778 USD/cổ phiếu ngày 23.6.2020. RBC Capital Markets thậm chí nâng giá mục tiêu 12 tháng của Amazon lên tới 3.300 USD/cổ phiếu.

 


Có vẻ như lúc này là một thời điểm hết sức thuận lợi cho Amazon, nhưng từ trang trại của ông ở miền Tây Texas, Bezos đang phải vật lộn với những bài toán hóc búa. Thứ nhất là những lời chỉ trích về cái gọi là “hiệu ứng Amazon”.

Không giống Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Amazon không phải ở thế độc quyền. Năm ngoái, xét riêng tại Mỹ, Amazon chiếm 40% thị phần thương mại điện tử và 6% tổng doanh số ngành bán lẻ. Và cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Amazon làm “bốc hơi” việc làm. Các nghiên cứu về “hiệu ứng Amazon” cũng cho thấy các việc làm mới trong lĩnh vực kho hàng và giao nhận đã bù đắp cho mức sụt giảm về số nhân viên tại các cửa hàng vật lý truyền thống và mức lương hằng giờ tối thiểu của Amazon là 15 USD tại Mỹ, vẫn cao hơn mức trung bình của ngành bán lẻ.

Nỗi lo khi quy mô quá lớn

Nhưng chiến lược của Amazon lại tạo ra sự phá bĩnh rất lớn trên thị trường việc làm ngay cả khi nền kinh tế đang suy giảm. Có thể thấy Amazon đã đe dọa sự tồn tại của các nhà bán lẻ truyền thống và càng làm trầm trọng thêm tình hình tại các công ty đối thủ, vốn dĩ rất chật vật. Nhờ không phải đầu tư vào cửa hàng, chi phí hoạt động của Amazon thấp hơn rất nhiều so với các nhà bán lẻ khác, cho Amazon lợi thế bán với giá thấp hơn các đối thủ và vẫn hoạt động được với biên lợi nhuận mỏng hơn.

Thậm chí, một số nhà kinh tế còn lo ngại về hiệu ứng giảm phát mà Amazon tạo ra. Cạnh tranh cao hơn và giá thấp hơn đã hạn chế năng lực tăng lương của các doanh nghiệp, từ đó gián tiếp làm suy yếu sức mua tiêu dùng. Những nỗi lo trên càng tăng khi Amazon thâu tóm Whole Foods với giá 13,7 tỉ USD năm 2017.

Đó là chưa kể những quan ngại về mẫu thuẫn lợi ích. Liệu nền tảng của Amazon có đối xử bình đẳng với các nhà kinh doanh bên thứ 3 như đối xử với các sản phẩm riêng của mình? Quốc hội Mỹ và EU đang điều tra về vấn đề này. Và các công ty khác liệu có thoải mái cung cấp thông tin nhạy cảm của họ cho AWS khi AWS là một bộ phận của một tập đoàn đa ngành lớn hơn đang cạnh tranh với chính họ?

Một vấn đề khác là sự phình to của Amazon. Khi Bezos “phiêu lưu” từ ngành này sang ngành khác, Amazon cũng đã đi từ chỗ một công ty “nhẹ gánh” trở thành một công ty có bảng cân đối kế toán khủng. Hiện Amazon đang sở hữu 104 tỉ USD giá trị tài sản, tính cả các tài sản cho thuê, không kém xa mấy so với con số 119 tỉ USD của đối thủ Walmart.

 

Kết quả là lợi nhuận (ngoại trừ mảng AWS) càng trở nên khiêm tốn, trong khi bệnh dịch càng làm teo tóp biên lợi nhuận trong mảng thương mại điện tử. Doanh thu thuần của Amazon đã tăng 26% lên 75,5 tỉ USD trong quý I/2020, vượt dự báo của Phố Wall nhưng lợi nhuận đã giảm hơn 30% còn 2,5 tỉ USD, tương đương 5,01 USD/cổ phiếu do chi phí tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu mùa dịch.

Dù vậy, Bezos cho biết Amazon không chỉ có thế vì Công ty còn thu thập dữ liệu, bán quảng cáo và các dịch vụ đăng ký thuê bao. Các nhà đầu tư vẫn luôn tin tưởng vào điều này và vì thế càng đẩy cao giá cổ phiếu Amazon.

Thế nhưng, biên lợi nhuận mảng thương mại điện tử càng suy yếu sẽ khiến Amazon khó lòng chia tách AWS. Việc chia tách sẽ làm hài lòng các nhà chức trách nhưng sẽ khiến Amazon mất đi cỗ máy in tiền để tài trợ cho các dự án khác của Bezos.

Một mối lo khác của Bezos là cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Từ lâu ông nói rằng ông theo dõi khách hàng, chứ không phải các đối thủ, nhưng ông ắt hẳn cũng nhận ra các đối thủ của Amazon đã phát triển mạnh mẽ từ trong dịch. Doanh số bán trực tuyến tại Walmart, Target và Costco đã tăng gấp đôi hoặc hơn vào tháng 4. Các hãng bán lẻ trực tuyến độc lập cũng đang ăn nên làm ra. Hơn nữa, tại hầu hết các thị trường trên thế giới, các đối thủ khu vực đang là kẻ thống trị, không phải Amazon, như MercadoLibre ở Mỹ Latinh; Jio ở Ấn Độ và Shopee ở Đông Nam Á; thị trường Trung Quốc bị chiếm lĩnh bởi Alibaba, JD.com...

Rõ ràng, Bezos đang đối mặt với nhiều bài toán khó giải. Nếu tăng lương để thỏa mãn giới chính trị, Công ty sẽ mất đi lợi thế giá rẻ. Nếu chia tách AWS, tài chính của Amazon sẽ lâm nguy. Còn nếu tăng giá bán để làm hài lòng cổ đông, các đối thủ mới sẽ giành mất thị trường. Rõ ràng, trong 25 năm tới, tầm nhìn của Bezos về một thế giới mua sắm trực tuyến đang trở thành hiện thực nhanh hơn bao giờ hết. Nhưng công việc điều hành Amazon cũng chưa từng gian nan như lúc này.