Nguồn ảnh: TL
Ám ảnh “siêu bong bóng” nợ công
“Siêu bom” kích hoạt
Lãi suất thấp và các quy định lỏng lẻo đã nuôi dưỡng bong bóng nhà ở. Khi giá nhà tăng vọt, các chủ nhà có thể lấy được tiền mặt từ chính căn nhà của họ. Nhưng sau “giấc mơ Mỹ” thì nhiều gia đình đã mất tất cả, đó là tình cảnh sau khủng hoảng tài chính năm 2007.
Quay lại xa hơn chút, thời khủng hoảng dot.com năm 2001. Hãy thử xem những chính sách cắt giảm thuế cho người giàu (chủ nghĩa phúc lợi doanh nghiệp), giải pháp tài chính tiền tệ mà cựu Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố là “liều thuốc” dành cho mọi căn bệnh kinh tế có giống những gì Tổng thống Donald Trump đang làm hay không?
Nếu đúng, thử xem thêm Jerome Hayden Powell có giống Alan Greenspan (cựu Chủ tịch FED) đã giảm lãi suất, thị trường tràn ngập thanh khoản. Nhưng với năng lực dư thừa trong nền kinh tế, không ngạc nhiên khi thấy lãi suất thấp đã không dẫn đến mức đầu tư nhiều hơn cho nhà xưởng và thiết bị. Hậu quả là sự thay thế bong bóng công nghệ bằng một bong bóng bất động sản…đã gây khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn năm 2007.
Thị trường năm 2020 cũng sẽ tràn ngập thanh khoản với liều lượng gấp nhiều lần so với năm 2007. Ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, CụcDự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ triển khai chương trình mua trái phiếu với số lượng không xác định trước để hỗ trợ thị trường hoạt động thông suốt. Bên cạnh đó, FED cũng thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm giúp đỡ doanh nghiệp và người dân như “rải tiền trực thăng” (Helicopter money), phát cho mỗi người hơn 1.000 USD để chi tiêu kích cầu, giữ tổng cung không quá suy giảm.
Cùng với gói cứu trợ 2.000 tỉ USD và hàng ngàn tỉ nới lỏng định lượng (QE) trước đó, song hành mức lãi suất cận âm và giảm thuế cho người giàu, có lẽ bong bóng bất động sản đã được nhường sân cho một “siêu bong bóng” mới: Nợ công.
Khi bong bóng nợ công đổ vỡ, bong bóng bất động sản cũng sẽ vỡ theo. Dù khủng hoảng toàn cầu đợt này chưa thể xảy ra và lạm phát vẫn thấp, nhưng trong tất cả các dạng khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ công mới là “siêu bom” làm tê liệt khả năng trả nợ và điều hành quốc gia của các chính phủ. Chính phủ có thể giải cứu thị trường, nhưng chính phủ không thể tự giải cứu chính mình.
Bộ ba “giảm phát, dân số già hoá và vỡ nợ trái phiếu”
QE hiểu nôm na là “in tiền”. Khi FED nới lỏng định lượng để mua nợ chính phủ, về cơ bản đây là việc rút ngắn cơ cấu đáo hạn nợ chính phủ do công chúng nắm giữ. QE thực sự chỉ hoán đổi khoản nợ này sang khoản nợ khác. Bằng cách giảm nguồn cung nợ chính phủ dài hạn nằm trong tay công chúng, chính phủ hy vọng sẽ hạ thấp lãi suất dài hạn vì các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và những nhà đầu tư nợ dài hạn thuần tuý khác bị buộc vào thế phải cạnh tranh nguồn cung nhỏ hơn của trái phiếu chính phủ dài hạn. Liều lượng QE trên GDP lớn nhất là Nhật với hơn 70%, Mỹ mới hơn 25%, vẫn có thể vỗ béo thêm các tập đoàn thuộc "chủ nghĩa phúc lợi doanh nghiệp".
Trên lý thuyết, người ta vẫn tin rằng nếu tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mức lãi vay thì nợ công tạm thời chưa có vấn đề. Như Nhật nợ công đã vượt 200% GDP, Anh là 85% GDP năm 2019. Ngược lại, nguồn cung nợ ngắn hạn nằm trong tay công chúng tăng lên sẽ có vấn đề và thông thường sẽ dẫn đến lãi suất ngắn hạn gia tăng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân nắm giữ nguồn cung cao hơn.
Đây cũng là thỏi nam châm hút ròng nguồn vốn quốc tế quay về Phố Wall- nơi trú ẩn mỗi khi kinh tế thế giới bất ổn. Rõ đây không phải là “bữa trưa miễn phí”, vì khi chính phủ Mỹ - con nợ vĩ đại sẽ trở nên dễ tổn thương hơn với sức ép đột ngột từ lãi suất toàn cầu gia tăng. Nhưng hiện tại thì EU, Nhật, Anh… lãi suất vẫn cận âm và có xu hướng âm, nên vẫn tạm ổn.
Làm thế nào để Mỹ “lo liệu” được khoản tiền 2.000 tỉ USD? Câu trả lời là đi vay. Chỉ cần Quốc hội cho phép, Bộ Tài chính Mỹ có thể phát hành bao nhiêu trái phiếu cũng được, nhằm chi trả cho các khoản chi của chính phủ. Bộ Tài chính Mỹ bán trái phiếu cho các nhà đầu tư - chính phủ nước ngoài, ngân hàng, quỹ đầu tư, hay bất cứ ai muốn một khoản đầu tư an toàn. Và trái phiếu chính phủ Mỹ thuộc loại an toàn nhất trong các loại chứng khoán, vì chính phủ Mỹ luôn có thể in tiền trả lại gốc.
FED lần đầu tiên thực hiện mua vào trái phiếu doanh nghiệp, những chứng khoán được xếp hạng đầu tư trên thị trường sơ cấp và thứ cấp thông qua các quỹ giao dịch ETF. Đầu tư nắm giữ tài sản tư nhân vốn không phải là ưu tiên của của các Ngân hàng trung ương do tính rủi ro cao hơn nợ chính phủ. Nhưng rõ là, khi nợ chính phủ là khó có thể tăng thêm, gia tăng nợ tư nhân sẽ là lựa chọn cuối để kéo dài thêm dây sợi dây nổ chậm. FED sở hữu nhiều công cụ để điều tiết cung tiền, hấp thụ các lượng thanh khoản dư thừa, như các gói QE ngược - tức bán trái phiếu dài hạn để hút tiền về.
FED cũng có thể tăng lãi suất đối với dự trữ ngân hàng để duy trì nhu cầu. Tuy nhiên, cả hai chính sách đều sẽ cộng thêm chi phí trả nợ của chính phủ và sẽ khiến lãi suất thực tế tăng nhanh hơn trên thị trường tư nhân. Con nợ càng khát tiền thì lãi suất sẽ càng cao. Không quốc gia nào là không thể vỡ nợ, kể cả Mỹ với những “đặc quyền tài chính” vô đối.
Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ thế giới đã hơn 250.000 tỉ USD, tức hơn 3 lần GDP toàn cầu. Riêng thị trường trái phiếu Mỹ là hơn 40.000 tỉ USD, lớn hơn nhiều so với 30.000 tỉ USD thị trường chứng khoán Mỹ.
Để mua nợ chính phủ, FED phải phát hành dự trữ ngân hàng ở phía bên kia bảng cân đối nhưng khoản này lại không tính vào nợ liên bang. Trong môi trường lãi suất bằng không - đến âm - nếu phải xảy ra, dự trữ của ngân hàng hầu như không mất chi phí gì.
Vấn đề là khi nền kinh tế phục hồi, FED không thể sử dụng nợ trái phiếu kho bạc đang nắm giữ để hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa và kiềm chế lạm phát. Vay ngắn hạn trong môi trường lãi suất thấp đến âm thì chỉ vỗ béo cho các hoạt động vay đầu cơ toàn cầu, được hậu thuẫn bởi sự tự do dòng chảy vốn và nới lỏng quy định kiểm soát tài chính.
Suy thoái thì đã, còn khủng hoảng thì đợi... chu kỳ tới vỡ nợ trái phiếu và quả bom nợ công toàn cầu phát nổ. Dù điều tồi tệ nhất là chưa tới, nhưng nó có thể đến bất kể khi nào… còn tuỳ vào cục diện và trật tự thế giới hậu COVID-19.
Khi các cường quốc kết thúc nợ nần cùng nhau thì cục diện kinh tế thế giới mới sẽ bắt đầu. Nhưng trước hết, các nước với đồng tiền yếu hơn lo lạm phát là vừa. Khi thị trường toàn cầu cùng suy thoái, mảng xuất khẩu sẽ cạnh tranh khó hơn nhiều.
(*): Chuyên gia tư vấn tăng trưởng doanh nghiệp