AIIB do Trung Quốc khởi xướng chính thức ra đời
Đa số thành viên AIIB là các nước châu Á và quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và Nam Mỹ. Đến nay, Nhật Bản và Mỹ vẫn là 2 nước lớn từ chối tham gia ngân hàng này. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định họ vẫn đang rộng mở cánh cửa đón chào Tokyo và Washington.
Theo một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận thấy nước này không có sự lựa chọn nào khác là tự thành lập một ngân hàng cho riêng mình sau khi bị Mỹ cản trở trong việc tìm kiếm vai trò lớn hơn tại những tổ chức tài chính hiện thời, như Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF), nhằm khẳng định vị thế nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. “Đây là một thắng lợi chiến lược và ngoại giao lớn của Trung Quốc” - nhà nghiên cứu Malcolm Cook tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định về AIIB.
Thỏa thuận ký kết hôm 29-6 sẽ xác định số lượng cổ phần mà từng nước thành viên nắm giữ, cũng như số vốn ban đầu của AIIB. Theo các nguồn tin của Nhật Bản, các nước châu Á dự kiến chiếm 75% cổ phần trong AIIB, còn các quốc gia châu Âu và những nước khác sẽ nắm 25% cổ phần còn lại. AIIB hoạt động với số vốn ban đầu là 50 tỉ USD và sẽ dần được tăng lên thành 100 tỉ USD. Trung Quốc sẽ nắm từ 25 - 30% cổ phần còn Ấn Độ sẽ là cổ đông lớn thứ hai với 10 - 15% cổ phần.
Theo thông tin mà hãng tin Reuters thu thập được hồi đầu tháng 6, Đức dự kiến sẽ có 4,1% cố phần trong AIIB và trở thành cổ đông lớn thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Hôm 24-6, Úc tuyên bố nước này sẽ góp 719 triệu USD vào vốn của AIIB trong 5 năm, qua đó trở thành cổ đông lớn thứ 6 của AIIB.
Bắc Kinh cho biết sẽ không nắm quyền phủ quyết trong hệ thống AIIB. Điều này trái ngược với việc Mỹ có quyền phủ quyết giới hạn trong Ngân hàng Thế giới (WB).
Trước thềm lễ ký kết nói trên, Trung Quốc và Brazil vào cuối tuần rồi đồng ý thành lập một quỹ 20 tỉ USD thúc đẩy hợp tác năng lực sản xuất song phương. Trong bối cảnh hai nước triển khai nhiều chương trình cụ thể hơn để củng cố các quan hệ đối tác, thỏa thuận về quỹ 20 tỉ USD là một trong những kết quả của cuộc họp lần thứ 4 của Ủy ban hợp tác và phối hợp cấp cao Trung Quốc-Brazil (COSBAN) tại Brazil.
Hai nước cũng đồng thuận lên danh sách các lĩnh vực ưu tiên và những dự án cụ thể trong hợp tác song phương và năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, lãnh đạo 2 phía thống nhất ổn định khối lượng thương mại, tối ưu hóa cơ cấu thương mại, thành lập một nhóm công tác đặc biệt để thúc đẩy thương mại dịch vụ và tăng cường trao đổi thông tin về các lĩnh vực như chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa...
Nguồn Người lao động