Thứ Sáu | 05/05/2017 08:00

AIIB cạnh tranh với World Bank và ADB: Việt Nam nằm đâu trong thế trận mới?

Không giống các tổ chức lâu đời như World Bank hay ADB, tay chơi mới nổi AIIB không đặt mục tiêu giảm nghèo đói, mà là tạo ra lợi nhuận.

Là một tay chơi mới, song Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đang có khá nhiều tham vọng lớn. Tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo này không những có thể sẵn sàng cho vay tới 250 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng và các dự án khác, mà còn muốn mở rộng quy mô toàn cầu nhằm đối đầu với các thể chế tài chính đa phương lâu đời.

AIIB đang cố gắng phát triển một cách thức làm việc đặc biệt. Không giống Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), AIIB không đặt mục tiêu chính là giảm nghèo đói. Trung Quốc cũng đang nhắm đến việc từ bỏ quyền phủ quyết đối với các quyết định của ngân hàng này, nhưng họ hy vọng sẽ xây dựng được danh tiếng thông qua một triết lý mới cho ngành tài chính phát triển.

Ông Jin Liqun, Chủ tịch AIIB, nói: "Là một công dân Trung Quốc, tôi rất yêu nước, nhưng tôi không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Trung Quốc cần phải làm một điều gì đó để được công nhận là nước có trách nhiệm của cộng đồng kinh tế quốc tế và trong tương lai có thể sẽ được công nhận là một lãnh đạo có trách nhiệm".

"Nếu tôi làm tốt công việc của mình, điều đó sẽ giúp nâng cao uy tín của Trung Quốc, nhưng nếu tổ chức này không tuân theo các quy tắc tốt nhất của quốc tế, liệu có ai sẽ tin tưởng vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai?", ông Jin nói thêm. Trước đây, ông Jin từng là Phó chủ tịch ADB, cũng như từng giữ chức Thứ trưởng tài chính của Trung Quốc.

AIIB canh tranh voi World Bank va ADB: Viet Nam nam dau trong the tran moi?
Chủ tịch AIIB Jin Jiqun, nói: "Nếu tôi làm tốt công việc của mình, điều đó sẽ giúp nâng cao uy tín của Trung Quốc". Nguồn: Bloomberg/FT

Cuộc hành trình "lên đỉnh Olympia" của AIIB chỉ mới bắt đầu. Kể từ khi đi vào hoạt động trong năm 2016, ngân hàng này đã cho vay hơn 2 tỷ USD. Con số này chỉ chiếm một phần nhỏ so với các khoản cho vay lên tới 684 tỷ USD của hai ngân hàng phát triển song phương lớn nhất Trung Quốc - Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - vào cuối năm 2014.

Khoản cho vay của AIIB cũng chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với dư nợ tín dụng 700 tỷ USD tính đến cuối năm 2014 của World Bank và năm ngân hàng phát triển đa phương do phương Tây hậu thuẫn: ADB, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Boston.

Ông Jin đang kỳ vọng sẽ nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh trong những năm tới và lưu ý rằng AIIB được phép cho vay tới 2,5 lần số vốn điều lệ 100 tỷ USD của ngân hàng này. "Điều này đồng nghĩa với việc nếu AIIB xây dựng một nền tảng vững chắc, chúng tôi sẽ không cần phải tăng vốn, chúng tôi có thể cho vay tới 250 tỷ USD, tương đương với World Bank hiện nay", ông Jin nói.

Tham vọng này được phản ánh trong danh sách thành viên của AIIB, với sự tham gia của các nước châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Singapore, Úc, và cả các nước châu Âu như Anh, Na Uy và Đức.

AIIB canh tranh voi World Bank va ADB: Viet Nam nam dau trong the tran moi?
Lễ động thổ xây trụ sở AIIB tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nguồn: Alamy/FT 

Càng nhiều nước tham gia vào AIIB, sự vắng mặt của Mỹ và Nhật lại càng nổi bật hơn.Vào tháng 3/2017, có 13 nước, bao gồm Canada, Ireland và Ethiopia, đã được chấp thuận là thành viên tương lai, gia nhập vào ngân hàng vốn đã có 57 nước thành viên này. Điều này thể hiện quy mô toàn cầu của AIIB và củng cố tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng phê phán toàn cầu hóa.

Mỹ ban đầu phản đối việc thành lập AIIB, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ đồng minh thân thiết là Anh Quốc vì "liên tục thỏa hiệp" với Trung Quốc, khi London thông báo vào năm 2015 rằng sẽ tham gia AIIB. Nhưng ông Jin vẫn đang để mở cánh cửa.

"Cho dù là thành viên của AIIB hay không, chúng tôi đều có thể làm việc cùng với nước Mỹ hay Nhật", ông Jin trả lời bằng tiếng Anh đúng giọng Anh chuẩn mà ông đã học được từ các chương trình phát thanh của đài BBC.

"Bạn không phải quá lo lắng về tư cách thành viên, bạn có thể không tham gia AIIB vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng cánh cửa gia nhập đã mở ra và sẽ vẫn như vậy. Tôi không cần phải nói 'tôi mời bạn'."

Trung Quốc đang chuẩn bị từ bỏ quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của AIIB mà nước này đang nắm, do là thành viên duy nhất có tỷ lệ biếu quyết trên 25%. "Khi các nước khác tham gia, quyền biểu quyết của Trung Quốc sẽ giảm xuống dưới 25%", ông Jin nói, và so sánh với việc nước Mỹ đã chống lại việc mất quyền biểu quyết trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

AIIB canh tranh voi World Bank va ADB: Viet Nam nam dau trong the tran moi?
Tỷ lệ phiếu bầu mà các nước thành viên AIIB đang nắm - chỉ có Trung Quốc nắm trên 25% số phiếu. Ảnh: piie.com

Phần lớn các quy tắc của AIIB được hoạch định từ những kinh nghiệm của ông Jin trong thời gian làm việc tại ADB và World Bank. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng về mặt triết lý hành động: AIIB không coi việc giảm đói nghèo là mục tiêu hàng đầu mà xem điều này là hệ quả tích cực từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. "Nhìn vào Trung Quốc, bạn sẽ thấy rằng khi nước lên thì tất cả tàu thuyền cùng lên. Nếu đọc các quy định của AIIB, sẽ không thấy có gì về mục tiêu giảm nghèo cả", ông Jin nói.

Vì vậy, mặc dù AIIB thường cho vay cùng với World Bank và ADB, nhưng nhiệm vụ của nó vẫn là nhằm tạo ra lợi nhuận thương mại hoặc nâng cao hiệu quả kinh tế. Các dự án nhà máy điện, đường sá, đường sắt, phát triển đô thị và viễn thông là những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt.

Nhưng không phải quyết định nào cũng dễ dàng. Trung Quốc là một trong những nguồn hậu thuẫn lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện than, khi cho vay tới 40,4 tỷ USD cho những dự án loại này trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2016, theo dữ liệu của Sáng kiến Quản lý Kinh tế Toàn cầu (GEGI) của Đại học Boston. Các khoản vay lớn nhất trong số này được rót vào các nhà máy nhiệt điện than tại Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Ukraine và Pakistan.

Công nghệ này vẫn phổ biến vì dù gây ô nhiễm trầm trọng nhưng than vẫn là một trong những nguồn điện rẻ nhất. Thêm vào đó, Trung Quốc có khả năng cần thiết để xây các nhà máy điện than rẻ hơn bất kỳ nước nào khác.

Theo các nhà phân tích am hiểu về những cuộc thảo luận trong nội bộ AIIB cho biết, tổ chức này vẫn chưa quyết định có nên cho vay đầu tư xây các dự án điện than hay không. Nếu cho phép, AIIB có thể sẽ phải hứng chịu chỉ trích rằng họ đang xuất khẩu ô nhiễm và hủy hoại "quy tắc tốt nhất" mà ông Jin đang khao khát.

Tuy nhiên, việc cấm các khoản cho vay như vậy sẽ không chỉ cắt đứt nguồn vốn quan trọng của các nước đi vay, mà còn khiến ngành công nghiệp năng lượng của Trung Quốc không hài lòng, bởi họ đang muốn mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.

Việt Nam nằm đâu trong thế trận mới?

Trước việc AIIB tỏ ra muốn quyết liệt chạy đua với ADB và World Bank, đây có thể là cơ hội lớn cho các quốc gia cần nguồn vốn phát triển như Việt Nam. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là ông Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với báo Nikkei (Nhật) về đề tài này.

AIIB canh tranh voi World Bank va ADB: Viet Nam nam dau trong the tran moi?
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT. Ảnh:bnews.vn

Theo ông Đông so sánh, AIIB tỏ ra là có cấu trúc mềm dẻo hơn so với ADB, cho phép quá trình sàng lọc và đánh giá dự án trở nên đơn giản hơn. "Do AIIB là một ngân hàng được lãnh đạo bởi khối tư nhân, nó có thể hành động linh hoạt hơn một tổ chức công", ông nói. Ông Đông cũng nhắc lại rằng Việt Nam đang là một thành viên ban điều hành của AIIB, và đang làm việc với ngân hàng này để tìm kiếm vốn vay cho các dự án.

Bù lại, hoạt động của ADB bao trùm nhiều lĩnh vực hơn, không chỉ có cơ sở hạ tầng mà còn có phát triển nhân lực và thể chế, cũng như xóa đói giảm nghèo.  Theo ông Đông, ADB có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết thông qua việc cung cấp các kiến thức như xây dựng cơ chế hải quan một cửa hay giải phóng mặt bằng. Ông Đông nói thêm: "Tôi hy vọng một tổ chức mới như AIIB có thể cạnh tranh một cách tích cực với một tổ chức lâu đời như ADB. Tôi nghĩ ADB có thể học hỏi từ AIIB cách đơn giản hóa quy trình sàng lọc dự án".

Ông Đông cũng đề xuất: "Văn phòng ADB tại Hà Nội đã được trao quyền sàng lọc các dự án ở địa phương, nhưng họ vẫn phải duy trì một mức độ liên lạc nhất định với trụ sở ở Manila (Philippines), và điều này khá là tốn kém. Tôi mong là ADB sẽ trao thêm nhiều quyền hạn hơn cho văn phòng ở Hà Nội".

Bàn về các thách thức mới cho Việt Nam, ông Đông cho biết: "Vì Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, chúng ta không còn có thể yêu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ADB. Việc gia tăng nợ công cũng khá là tốn kém cho chính phủ. Từ giờ trở đi, chúng ta phải ưu tiên cho các dự án tiềm năng cao nhất khi đi vay vốn".

An Phong

Nguồn FT/Nikkei