AIG thôi kiện chính phủ Mỹ do bị công kích dữ dội
Sau khi xem xét, AIG đưa ra quyết định rằng công ty sẽ không tham gia vụ kiện cũng như không cho phép Starr lấy danh nghĩa AIG theo đuổi vụ kiện chống lại chính phủ Mỹ.
Giám đốc điều hành AIG Bob Benmosche cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC rằng công chúng phải tin tưởng vào công ty và nói thêm: "Về mặt xã hội, việc AIG nhận tiền cứu trợ và quay lại kiện chính quyền là không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, luật sư của Starr, ông David Boies cho biết rằng nỗ lực của AIG nhằm ngăn chặn Starr theo đuổi vụ kiện là trái với lợi ích của cổ đông. "Việc AIG có thành công trong việc ngăn chặn nỗ lực của Starr đòi quyền lợi cho cổ đông hay không cuối cùng sẽ do tòa án quyết định", David Boies tuyên bố.
Trước đó, AIG đã hoàn tất thanh toán gói cứu trợ trị giá 182 tỷ USD và cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc với khẩu hiệu "Cảm ơn nước Mỹ". Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đang cân nhắc kiện vị cứu tinh trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Những người ủng hộ vụ kiện cho rằng gói cứu trợ của chính phủ Mỹ đã tước đoạt hàng chục tỷ USD của các cổ đông, đồng thời vi phạm Tu chính án thứ 5 của Mỹ, trong đó quy định cấm lấy tài sản tư nhân phục vụ cho mục đích công mà không được bồi thường.
Cựu giám đốc điều hành AIG Maurice R. Greenberg, nhà đầu tư chính của tập đoàn này đã thay mặt các cổ đông đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vào năm 2011. Ông cũng kêu gọi AIG tham gia vào vụ kiện.
Tại thời điểm cao trào cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bộ tài chính Mỹ đã phải sử dụng 182 tỷ USD từ ngân quỹ của những người đóng thuế để cứu trợ AIG. Khoản cứu trợ dành cho AIG thông qua TARP bao gồm cả việc mua trái phiếu lẫn cấp vốn vay do bộ tài chính và Ngân hàng dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ tiến hành
Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn bảo hiểm này đứng bên bờ vực phá sản, sau khi bán hàng trăm tỷ USD theo chương trình hoán đổi vỡ nợ tín dụng đã được thế chấp một cách không nghiêm ngặt cho các ngân hàng và công ty đầu tư.
Theo báo cáo, sau khi bơm vốn vào AIG thông qua Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), chính phủ Mỹ đã thu về khoản lợi nhuận trị giá 22,7 tỷ USD.
Nguồn Reuters/Khampha