Thứ Ba | 08/01/2013 16:28

AIG cân nhắc kiện chính phủ Mỹ: "Nuôi ong tay áo"

AIG sẽ hành xử như một kẻ vô ơn nếu kiện chính phủ Mỹ đòi thêm tiền, hay đối mặt với cáo buộc lừa dối cổ đông nếu không kiện.
AIG đã hoàn tất thanh toán gói cứu trợ trị giá 182 tỷ USD và cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch quảng cáo trên toàn quốc với khẩu hiệu "Cảm ơn nước Mỹ". Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới đang cân nhắc kiện vị cứu tinh trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Hồ sơ của tòa án cho biết hội đồng quản trị của AIG sẽ nhóm họp vào ngày mai 9/1 để xem xét vụ kiện của các cổ đông trị giá 25 tỷ USD chống lại chính phủ. Công ty bảo hiểm cho rằng gói cứu trợ của chính phủ Mỹ đã tước đoạt hàng chục tỷ USD của các cổ đông, đồng thời vi phạm Tu chính án thứ 5 của Mỹ, trong đó quy định cấm lấy tài sản tư nhân phục vụ cho mục đích công mà không được bồi thường.

Cựu giám đốc điều hành AIG Maurice R. Greenberg, nhà đầu tư chính của tập đoàn này đã thay mặt các cổ đông đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vào năm 2011. Ông cũng kêu gọi AIG tham gia vào vụ kiện.

Tuy nhiên, đối với tập đoàn AIG, việc lựa chọn có tham gia vụ kiện hay không không phải là một quyết định dễ dàng. Về nguyên tắc, các thành viên hội đồng quản trị có trách nhiệm phải xem xét vụ kiện bởi nếu không, họ sẽ phải đối mặt với một vụ kiện khác từ các cổ đông.

Trong khi đó, nếu AIG tham gia vào vụ kiện chống lại chính phủ Mỹ, động thái này chẳng khác nào sự phản bội đối với người nộp thuế và chính phủ. Không những thế, quyết định này còn có thể làm tăng những căng thẳng vốn đã tồn tại ở Washington.

Tại thời điểm cao trào cuộc khủng hoảng tài chính 2008, bộ tài chính Mỹ đã phải sử dụng 182 tỷ USD từ ngân quỹ của những người đóng thuế để cứu trợ AIG. Khoản cứu trợ dành cho AIG thông qua TARP bao gồm cả việc mua trái phiếu lẫn cấp vốn vay do bộ tài chính và Ngân hàng dự trữ Liên bang (Fed) Mỹ tiến hành

Động thái này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn bảo hiểm này đứng bên bờ vực phá sản, sau khi bán hàng trăm tỷ USD theo chương trình hoán đổi vỡ nợ tín dụng đã được thế chấp một cách không nghiêm ngặt cho các ngân hàng và công ty đầu tư.

Theo báo cáo, sau khi bơm vốn vào AIG thông qua Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), chính phủ Mỹ đã thu về khoản lợi nhuận trị giá 22,7 tỷ USD.

Nguồn India Times/Khampha


Sự kiện