Thứ Hai | 03/09/2012 08:15

Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thâm hụt ngân sách của Mỹ?

Khi thâm hụt ngân sách Mỹ lên 1,3 nghìn tỷ USD, đảng Dân chủ và Cộng hòa lại tranh cãi xem ai là người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng đó.
Khi nhắc đến cụm từ "thâm hụt ngân sách", cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều lớn tiếng đổ lỗ cho nhau. Đảng Cộng hòa cho rằng thủ phạm chính gây thâm hụt ngân sách chính là đương kim tổng thống Barack Obama, bởi vì chính ông là người khiến bùng nổ chi tiêu song lại thất bại trong việc khắc phục nền kinh tế.

Trong khi đó, đảng Dân chủ lại phản bác rằng ông Obama đã phải thừa kế một mớ kinh tế hỗn độn và thảm hại cũng những khoản thâm hụt nặng nề của người tiền nhiệm, tổng thống Cộng hòa George Bush. Mớ hỗn độn mà ông Bush để lại sẽ phải mất một thời gian khá dài mới có thể giải quyết được.

Vậy ai mới là người thực sự khiến ngân sách nước Mỹ thâm hụt như hiện tại: Tổng thống Obama hay người tiền nhiệm George Bush?

Theo tờ Business Insider, để tìm được câu trả lời thực sự, trước hết phải nhìn vào thâm hụt ngân sách dưới thời của cả hai tổng thống và tìm ra điều gì đã xảy đến với họ.

Thâm hụt ngân sách Mỹ dưới thời cựu tổng thống George Bush và tổng thống Barack Obama.
Thâm hụt/thặng dư ngân sách Mỹ dưới thời cựu tổng thống George Bush và tổng thống Barack Obama.

Đối với cựu Tổng thống Bush, cần phải lưu ý rằng ông là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua thừa hưởng khoản thặng dư ngân sách lớn từ người tiền nhiệm. Tuy nhiên, khi kinh tế Mỹ bị suy thoái tấn công, ngân sách dưới tay ông nhanh chóng bị thâm hụt. Sau đó, ông tiến hành giảm thuế làm thâm hụt tăng lên 400 tỷ USD/năm.

Vào giai đoạn kinh tế bùng nổ từ 2005-2008, số thâm hụt này giảm xuống còn 200 tỷ USD/năm. Nhưng khi khủng hoảng tài chính nổ ra, số thâm hụt của nước Mỹ lại vọt lên đến 400 tỷ USD.

Đầu năm 2009, tổng thống Obama chính thức tiếp quản Nhà Trắng trong bối cảnh kinh tế Mỹ trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái. Ông Obama đã thông qua quyết định tăng chi tiêu 800 tỷ USD giữa lúc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và doanh thu thuế chao đảo. Sự kết hợp của hai yếu tố này - tăng chi tiêu và doanh thu hạ - khiến thâm hụt lên tới 1,4 nghìn tỷ USD. Trong năm 2010 và 2011, kinh tế và thu thuế được cải thiện chút ít và thâm hụt ngân sách giảm còn 1,3 nghìn tỷ.

Vậy điều gì thực sự đã xảy ra khiến thâm hụt ngân sách tăng với tốc độ đáng sợ như vậy?

Nếu dựa vào những con số nêu trên, đảng Cộng hòa có thể hả hê kết luận rằng chính tổng thống Obama là người khiến chi tiêu của chính phủ liên bang bùng nổ, một thời gian ngắn sau khi ông nhậm chức.

Chi tiêu dưới thời cu
Chi tiêu dưới thời cựu tổng thống George Bush và tổng thống Barack Obama.

Quả thực, ông Obama chính là người làm thâm hụt ngân sách tăng, nhưng nếu nhìn lại, có thể thấy rằng chính tổng thống George Bush mới chính là người khiến chi tiêu liên bang tăng. Ước tính số chi tiêu của chính dưới thời tổng thống Bush cao gấp đôi so với chính phủ hiện tại. Vì vậy, sẽ là không công bằng nếu đổ hết trách nhiệm cho ông Obama. Ở đây, kết luận đúng nhất là cả hai tổng thống đều phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, sự gia tăng trong chi tiêu chính phủ không phải là yếu tố duy nhất gây thâm hụt ngân sách. Một yếu tố quan trọng không kém - hoặc thậm chí quan trọng hơn - là sự suy giảm trong doanh thu của chính phủ.

Yếu tố này có thể do hai nguyên nhân: Thứ nhất, tổng thống Bush cho cắt giảm thuế khiến doanh thu chính phủ bị ảnh hưởng. Thứ hai, nền kinh tế suy yếu cũng làm giảm thu nhập và lợi nhuận từ đầu tư.

Trong năm 2001 và 2003, tổng thống Bush đã cho giảm thuế gây ảnh hưởng cho thu nhập liên bang trong khi chi tiêu liên bang tiếp tục tăng nhanh chóng. Hệ quả của sự kết hợp này là thâm hụt bắt đầu tăng vọt trong nhưng năm đầu nhiệm kỳ của ông Bush.

Tuy nhiên, những năm giữa nhiệm kỳ của tổng thống Bush là những năm bùng nổ về giá nhà ở cũng như tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, doanh thu liên bang bắt đầu tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 2007, số thâm hụt gần như được bù đắp hoàn toàn.

Nhưng chỉ một thời gian sau, bong bóng nhà đất vỡ tan, khủng hoảng tài chính tấn công và nền kinh tế rơi vào suy thoái. Kết quả là, những gì tổng thống Bush để lại cho ông Obama là mớ hỗ độn suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 70 năm.

Suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu liên bang khi mới chỉ bắt đầu hồi phục nhờ bong bóng kinh tế năm 2007. Trong khi đó, gói kích thích kinh tế của tổng thống Obama lại khiến chính phủ liên bang phải chi thêm 600 tỷ USD. Cả hai yếu tố trên kết hợp khiến số thâm hụt 400 tỷ USD vọt lên 1,3 nghìn tỷ như hiện tại.

Những con số trên vẫn chưa thể xác định ai mới là người phải chịu trách nhiệm cho khoản thâm hụt ngân sách hiện tại. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể biết những yêu tố nào đã gây nên thâm hụt ngân sách: giảm thuế, doanh thu chính phủ giảm, kết hợp với chi tiêu liên bang tăng.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng nếu sự bùng nổ kinh tế dưới thời tổng thống Bush chỉ mang tính tạm thời, có thể thấy rằng tình trạng thâm hụt hiện tại hoàn toàn là lỗi của ông. Chính việc cho giảm thuế và tăng chi tiêu khiến ngân sách nước Mỹ thiệt hại nặng và rơi từ mức thặng dư xuống thâm hụt. Thậm chí ngay cả khi kinh tế bùng nổ nhờ bong bóng nhà đất và tăng trưởng cho vay tín dụng, lỗ hổng ngân sách đó cũng không thể được bù đắp.

Mặt khác, nếu sự bùng bổ kinh tế dưới thời tổng thống Bush là có thật, thì không thể phủ nhận rằng khủng hoảng tài chính và suy thoái bắt đầu nổ ra khi ông còn tại nhiệm, và thâm hụt ngân sách đã bắt đầu bùng nổ từ trước khi ông Obama đặt chân vào Nhà Trắng. Do đó, sẽ rất khó để biện minh rằng tổng thống Bush hoàn toàn không có trách nhiệm gì với mớ hỗn độn của nước Mỹ hiện tại.

Ngoài ra, gói kích thích của ông Obama hiển nhiên không có mấy tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ. Nhưng nếu xét về quy mô khủng hoảng kinh tế mà ông Obama thừa hưởng lại từ người tiên nhiệm, có thể thấy rằng không gì có thể sửa chữa được nền kinh tế ở thời điểm hiện tại.

 Mặc dù vậy, vẫn rất nhiều người từng ủng hộ ông tỏ ra giận dữ khi ông không hoàn thành được những lời hứa của mình, cũng như đối với những quyết định mà ông đưa ra. Do đó, sẽ là công bằng nếu như nói rằng tổng thống Obama cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho tình trạng thâm hụt hiện tại.

Nguồn Business Insider/Khampha


Sự kiện