Chó robot ở thành phố Hàng Châu. Ảnh: SCMP.
A.I ở Trung Quốc đã nâng cao đời sống người dân thế nào?
Trong bối cảnh nhiều người lo ngại sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (A.I) đang tạo nên sự bất bình đẳng kinh tế thì Trung Quốc đang tận dụng A.I để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, nhằm mục đích mang lại lợi ích cho xã hội.
Thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) gần đây đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 19) 2022. Điểm nổi bật của sự kiện mà thành phố này mang lại là màn thắp sáng Đại hội của vận động viên bơi lội đạt giải vô địch Wang Shun và người cầm đuốc kỹ thuật số. Sự kiện này mở đầu cho khái niệm “Đại hội Thể thao châu Á thông minh”, với chuỗi công nghệ mới như A.I, thực tế tăng cường (AR) và điện toán đám mây. Hệ thống công nghệ tiên tiến được sử dụng để quản lý và hỗ trợ đại hội được diễn ra một cách hiệu quả.
Người cầm đuốc kỹ thuật số trong khuôn khổ Đại hội Thể thao châu Á tại thành phố Hàng Châu. Ảnh: SCMP. |
Các công ty công nghệ nội địa Trung Quốc như Alibaba, Ant Group và Deep Robotics đều nhân cơ hội để trưng bày các thiết bị và dịch vụ mới nhất, mang đến cái nhìn thoáng qua về tham vọng ngành công nghệ của Trung Quốc. Chó robot, xe buýt tự động lái, công nghệ bảo sao số và các công nghệ tiên tiến khác lần lượt được triển khai trong xuyên suốt quá trình đại hội diễn ra.
Đây đều là những nỗ lực nằm trong kế hoạch 2 năm (2022-2024) biến Hàng Châu trở thành thành phố tiên phong về A.I của tỉnh Chiết Giang. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng đang tăng cường ứng dụng A.I vào các hoạt động phúc lợi xã hội, quản trị kỹ thuật số và sử dụng dữ liệu của thành phố. Việc này có thể giúp các nhà chức trách tìm ra các điểm tăng trưởng trong hoạt động thương mại.
Tại trung tâm mua sắm Hubin Hàng Châu, công nghệ 5G và A.I được áp dụng để đo lường khách hàng và phân tích, từ đó đưa ra chiến lược tuyển dụng cho doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Hệ thống này đã xác định được xe điện (EV) nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Kết quả sau đó là có 7 thương hiệu xe điện lần lượt mở cửa hàng tại đây. Và để đáp ứng nhu cầu của thị trường xe điện đang phát triển mạnh mẽ, Hàng Châu đã lắp đặt nhiều trạm sạc xe điện, bao gồm cả trạm sạc không dây.
Không chỉ vậy, thành phố Trung Quốc này còn trang bị các trụ sạc điện thoại trong thời gian chờ ở các băng ghế ven đường hoặc trạm chờ xe buýt. Những công nghệ đổi mới vừa nâng cao trải nghiệm cho người tiêu dùng và người qua đường vừa có thể giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Phát triển đổi mới ở Trung Quốc trong 5 năm qua đã thúc đẩy giảm hơn 1,8 triệu tấn rác thải giấy và lượng khí thải carbon, góp phần vào nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, Hàng Châu đang sử dụng A.I cho các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng và giao thông. Chính quyền địa phương đã triển khai dịch vụ xe buýt xanh tại thị trấn Dingqiao, nơi đông dân nhất của thành phố Hàng Châu. Nhờ vào các dữ liệu do A.I phân tích, thành phố có thể điều chỉnh tuyến đường của xe buýt xanh nhằm giảm bớt tình trạng tắc đường và tăng hiệu quả đô thị.
A.I cũng hỗ trợ các bảng thông tin xung quanh thành phố. Các điểm đến được đặt trên bản đồ hiển thị trên màn hình lớn, có chú ý chi tiết các nhà hàng, cửa hàng, tòa nhà văn phòng và những tiện ích khác. Biển báo đường điện tử A.I có tính năng hỗ trợ điều hướng, hiển thị khoảng cách đích đến và đưa ra chỉ dẫn lưu thông.
Ở các bãi đỗ xe thì được trang bị công nghệ thu phí tự động, thông qua các cảm biến A.I có thể nhận dạng biển số xe và liên kết với nhà cung cấp dịch vụ để thanh toán. Điều này giúp tiết kiệm thời gian ra vào bãi đậu xe, giải quyết tình trạng gây khó chịu ở các thành phố đông đúc dân cư.
Để đối phó với biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, chính quyền thành phố Hàng Châu đã đề xuất kế hoạch tăng cường phòng chống thiên tai bằng công nghệ A.I. Đặt ra mục tiêu giai đoạn năm 2025-2027 hệ thống khí tượng được hỗ trợ bởi A.I của thành phố có thể dự báo trước diễn biến của thời tiết trong 1 tháng cũng như đưa ra cảnh báo bất thường của khí hậu.
Ngoài ra, ngành giáo dục ở Trung Quốc cũng đang cân nhắc đưa A.I vào giảng dạy ở các lớp khoa học thông tin ở trường học. Các trường học muốn phát triển một thế hệ không chỉ có am hiểu về công nghệ mà còn đề cao đạo đức công nghệ cao. Hiện Chiết Giang và Quảng Đông là 2 tỉnh Trung Quốc đang tiên phong trong lĩnh vực này.
Có thể bạn quan tâm:
Dòng vốn ồ ạt rút khỏi Trung Quốc
Nguồn SCMP