Thứ Sáu | 07/06/2013 10:00

Ai hưởng lợi nhất khi ngân hàng trung ương ồ ạt bơm tiền?

Chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương khiến người giàu càng giàu hơn do đó làm tăng bất bình đẳng.
Các thị trường chứng khoán có một chút “lảo đảo” gần đây một phần do lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm nới lỏng định lượng (QE) vào cuối năm nay.

Một trong những tác động của QE là tác động đến tài sản, khi người tiêu dùng cảm thấy giàu hơn họ sẽ sẵn sàng chi tiêu hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Neal Soss của Credit Suisse trong một nghiên cứu tựa đề “QE nhỏ giọt: Chính sách tiền tệ và Bất bình đẳng” cho rằng, chính sách tiền tệ có thể làm tình trạng bất bình đẳng gia tăng.

Thật vậy, những số liệu công bố gần đây cho thấy, 10% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu khoảng 91,4% chứng khoán và tài sản ở các quỹ tương hỗ, tăng so với 84,5% năm 2001. Hơn nữa, những người giàu có nhất chiếm 1% dân số Mỹ lại sở hữu khoảng một nửa đầu tư vào cổ phiếu và quỹ tương hỗ.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi số liệu của Đại học Michigan cho thấy niềm tin tiêu dùng gần đây của người Mỹ tăng vọt chủ yếu nhờ những hộ gia đình giàu có. Và cũng kể từ thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng, bất bình đẳng (được tính thông qua hệ số Gini) cũng tăng, thay vì giảm đi.

Giải quyết bất bình đẳng có thể là vấn đề về dài hạn nhưng những lần can thiệp của Fed vào năm 1987, 1998 và 2001 làm gia tăng quá mức tâm lý sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên phố Wall và khiến tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn.

Với nhóm siêu giàu chiếm 1% dân số Mỹ, tài sản của những người này tăng không chỉ nhờ thuế suất thấp và còn do lợi nhuận từ đầu tư vốn. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ và với những người có thu nhập cao nhất như CEO, giám đốc quỹ phòng hộ, …

Trong khi đó, một số chủ quỹ phòng hộ lại tỏ ra phản đối gay gắt QE. Chuyên gia Paul Krugman cho rằng, các quỹ phòng hộ có thể cũng bị ảnh hưởng tiêu cực trong môi trường lợi suất thấp. Song thực tế, tuy không thu lời như thời kỳ huy hoàng những năm 1990, nhưng các quỹ này hầu như không bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của HFR, ngành này hút ròng tiền trong 14 trên 15 quý trở lại đây và đạt mức kỷ lục 2,4 nghìn tỷ USD.

Nguồn Economist/Dân Việt


Sự kiện