Một đám đông bên ngoài ga Dadar ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AP.

 
Gia Khánh Thứ Hai | 10/06/2024 17:31

Ai đang nắm giữ chìa khoá trở thành Trung Quốc của Ấn Độ?

Ông Mao Trạch Đông từng nói: “Phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời”. Ngày nay, họ đóng góp hơn 40% cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo McKinsey.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới đang không hoạt động hết công suất. Đó là một vấn đề đối với ông Narendra Modi, người vừa giành được nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba liên tiếp, kéo dài 5 năm.

Người đàn ông 73 tuổi này muốn biến đất nước này thành nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỉ USD trước khi kết thúc thập kỷ hiện tại. Các kế hoạch cải cách của ông đã trở nên phức tạp do chiến thắng bầu cử sít sao hơn dự kiến ​​và còn có những thách thức lớn phía trước.

Một vấn đề cố hữu đang cản trở tham vọng siêu cường của Ấn Độ là tình trạng thiếu việc làm cho hàng trăm triệu người dân, đặc biệt là phụ nữ.

Có hơn 460 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ, nhiều hơn toàn bộ dân số của Liên minh châu Âu và họ có trình độ học vấn cao hơn, có khát vọng và khỏe mạnh hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó. Nhưng giấc mơ của họ đang xung đột với một thực tế khắc nghiệt.

 

Chẳng hạn như cô Gunasri Tamilselvan, 22 tuổi, người sợ phải bỏ công việc yêu thích của mình. Sinh viên tốt nghiệp kỹ sư này bắt đầu làm việc tại nhà máy của nhà sản xuất điện tử Phần Lan Salcomp ở bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ vào năm ngoái. Cô Tamilselvan là thành viên của nhóm sản xuất bộ sạc di động cho các thương hiệu điện thoại thông minh lớn được săn đón, nhưng cô đã phải đấu tranh cả ở nhà và nơi làm việc để giành quyền độc lập về tài chính.

Và giờ đây thời gian của cô sắp hết khi gia đình muốn sắp xếp một cuộc hôn nhân cho cô càng sớm càng tốt. Ở Nam Á, việc cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con vẫn là chuyện bình thường.

Cô nói: “Cha tôi không mấy thoải mái với công việc của tôi. Ông ấy cho tôi 10 tháng, sau đó sẽ chọn một người chồng và gả tôi đi.”. Nếu điều đó xảy ra, cô sẽ phải thương lượng với chồng và nhà chồng để được tiếp tục làm việc. Đây không phải là trận chiến duy nhất cô muốn giành chiến thắng.

Tại nhà máy, cô cho biết bản thân thường làm việc chăm chỉ hơn nhiều để chứng minh với các đồng nghiệp nam rằng cô xứng đáng có được vị trí trong bộ phận tự động hóa, nơi liên quan đến việc xử lý các máy móc mới nhất.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 1/3 phụ nữ trong độ tuổi lao động của Ấn Độ tham gia lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là khoảng 50%.

Kết quả là đất nước đang bỏ lỡ hàng tỉ USD. Ngân  hàng Thế giới  cho biết vào năm 2018 rằng Ấn Độ có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 9% mỗi năm nếu khoảng 50% phụ nữ tham gia lực lượng lao động. (Nền kinh tế nước này tăng trưởng 8,2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.)

 

Trong 10 năm cầm quyền của ông Modi, Ấn Độ đã tăng 4 bậc để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và các nhà phân tích tin tưởng rằng chính phủ của ông có thể biến nước này thành một siêu cường kinh tế, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2027.

Cơ hội lịch sử này dành cho Ấn Độ đến vào thời điểm Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có và thế giới đang tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Các nhà sản xuất phương Tây cũng mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Nhưng cũng có những lo ngại rằng Ấn Độ có thể bỏ lỡ cơ hội này.

Theo McKinsey, đóng góp của phụ nữ vào GDP của Ấn Độ chỉ là 18%, một trong những tỉ lệ thấp nhất thế giới. Điều này hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc, nơi trong nhiều thập kỷ, phụ nữ đã đóng vai trò quyền lực trong sự bùng nổ kinh tế.

Từ những chuẩn mực văn hóa hạn chế đến quấy rối nơi công sở, có nhiều lý do khiến phụ nữ, ngay cả khi có tay nghề cao, vẫn chọn ở nhà. Ông Chandrasekhar Sripada, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Ấn Độ, cho biết: “Phụ nữ Ấn Độ dành tối thiểu khoảng 7-8 giờ mỗi ngày cho công việc không được trả lương vì hầu hết các nhiệm vụ chăm sóc gia đình và chăm sóc trẻ em vẫn thuộc về họ".

Giống như Ấn Độ, phụ nữ ở Trung Quốc cũng bị xếp vào vai trò cấp dưới trong nhiều thế kỷ.

Nhưng điều này đã thay đổi mạnh mẽ sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, với việc Chủ tịch Mao Trạch Đông cấm hôn nhân phong kiến ​​và ủng hộ bình đẳng giới. Ông Mao đã có câu nói nổi tiếng: “Phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời”. Ngày nay, họ đóng góp hơn 40% cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo McKinsey.

Trong thập kỷ qua, chính phủ ông Modi đã đưa ra các chính sách nhằm khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hơn.

Phần lớn sự thay đổi này có thể thấy rõ ở Tamil Nadu, Trung tâm công nghiệp của Ấn Độ, nơi các công ty như Foxconn và Samsung đặt nhà máy sản xuất.

Ông Vishnu Venugopalan, Giám đốc Điều hành của Guidance Tamil Nadu, cơ quan xúc tiến đầu tư của bang, cho biết hơn 40% nữ nhân viên nhà máy của Ấn Độ làm việc ở bang miền nam này.

Tập đoàn có giá trị nhất Ấn Độ, tập đoàn Tata Group, cũng đang cố gắng cải thiện sự đa dạng tại các nhà máy sản xuất khác nhau trên khắp Ấn Độ. Một trong những đơn vị của tập đoàn, Tata Power, đã xây dựng một nhà máy sản xuất mô-đun và pin mặt trời mới, nơi 80% công nhân là phụ nữ.

Cơ sở nằm ở Tirunelveli, Tamil Nadu, đang tuyển dụng nhân công phần lớn từ cộng đồng địa phương để giúp nhiều phụ nữ Ấn Độ vẫn thích sống với cha mẹ hoặc vợ/chồng của họ nộp đơn dễ dàng hơn. Để thu hút phụ nữ gia nhập và ở lại lực lượng lao động, công ty đang cung cấp nhiều phúc lợi từ nhà ở giá rẻ cho đến taxi có nhân viên bảo vệ.

Những lợi ích như vậy rất quan trọng vì Ấn Độ được coi là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với phụ nữ vì nguy cơ bạo lực tình dục và nô lệ lao động cao.

Có thể bạn quan tâm:

 Lao động Ấn Độ đang được tuyển dụng nhiều hơn bao giờ hết

Nguồn CNN