Thứ Hai | 22/06/2015 16:26

Ai chịu thiệt khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ?

Chứng khoán Trung Quốc lên cao kỷ lục trong năm nay, mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đổ tiền tiết kiệm của họ vào thị trường.

Nhưng cùng với mối lo ngại bong bóng ngày một tăng, chính những nhà đầu tư này hiện đang rơi vào tình cảnh bấp bênh.

Tính đến cuối tháng 5/2015, Sàn Chứng khoán Thượng Hải có mức vốn hóa đạt 5,9 nghìn tỷ USD trong khi Sàn Chứng khoán Thâm Quyến đạt 4,4 nghìn tỷ USD, theo số liệu của Liên đoàn Sàn chứng khoán Thế giới (World Federation of Exchanges).

Điều này có nghĩa thị trường chứng khoán Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại của tháng 6 đạt ít nhất 10,3 nghìn tỷ USD, khi cả Sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều tăng.

Tốc độ tăng của thị trường chỉ là “ảo ảnh”, Vincent Chan, giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu chứng khoán tại Credit Suisse, cảnh báo. Ông cũng cho rằng khi đà tăng bị chặn lại, người thiệt hại đầu tiên chính là nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ này đang thu lợi nhuận đáng kể khi chứng khoán Trung Quốc “qua mặt” nhiều đối thủ quốc tế. Chỉ số Shanghai Composite tăng gần 40% trong năm nay, trong khi Chỉ số Shenzhen Composite của sàn Thâm Quyến tăng hơn 90%, góp mặt trong tốp chỉ số bứt phá mạnh nhất thế giới trong năm nay.

Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chứng khoán Trung Quốc bùng nổ chủ yếu nhờ các biện pháp kích thích của chính phủ và sự đam mê của nhà đầu tư chứ không phải do nền tảng kinh tế vững chắc. Thực tế, GDP quý I/2015 của Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Rạn nứt đang dần bộc lộ. Tuần qua, chứng khoán Thượng Hải giảm 13%, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ phải cân nhắc lại chiến lược tài chính. Đầu tháng 6, giới đầu tư đột ngột thoái gần 7 tỷ USD khỏi các quỹ ETF Trung Quốc chỉ trong một tuần, theo số liệu của hãng EPFR.

Năm 2014, giới đầu tư nhỏ lẻ đã đổ tiền vào chứng khoán khi thị trường bất động sản - kênh đầu tư truyền thống - “xì hơi”. Đồng thời, giới truyền thông cũng hô hào dân chúng đầu tư vào chứng khoán trong khi chính phủ mở cửa thị trường nhằm thu hút khối ngoại.

Nhiều nhà đầu tư đã không thể cưỡng lại được cám dỗ này nhất là khi bạn bè và người quen có những khoản thu 2 con số.

Khi thị trường tăng trưởng, ngày càng có nhiều hơn nhà đầu tư lao vào. Ngược lại, chả có ai thèm bén mảng đến các sàng, ông Shi, tài xế về hưu đang đầu tư vào chứng khoán, cho biết.

Thị trường chứng khoán bùng nổ, cổ phiếu được trao tay với tốc độ chóng mặt với khối lượng giao dịch hàng tháng giờ đây gấp 6 lần so với mức 10 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường nội địa Trung Quốc.

Cha Er Si, nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo lên sàn chứng khoán, cho biết, anh và bạn bè thậm chí còn vay ký quỹ (margin financing) để mua cổ phiếu.

Theo Oxford Economics, năm 2014 số tài khoản giao dịch ký quỹ được mở tăng 86% so với năm 2013. Chỉ riêng trong tháng 12/2014, có đến 700.000 tài khoản mới được mở.

Một số nhà phân tích dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc đã lặng lẽ giật dây thị trường, cố gắng duy trì thị trường giá lên, nhưng đây thực sự là trò chơi mạo hiểm, ông Chan cảnh báo.

Một số nhà quan sát cho rằng chính phủ Trung Quốc đang âm thầm giật dây thị trường ở hậu trường để duy trì thị trường con bò. Tuy nhiên đây là một ván cược rủi ro, ông Vincent Chan cảnh báo.

“Tôi chưa bao giờ thấy một nước nào thành công trong việc lèo lái thị trường chứng khoán tăng hay giảm. Kết cục là thị trường sẽ sụp đổ”, ông Chan nói.

Hữu Thanh

Nguồn CNN Money