Ai Cập lùi thời gian trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp
Cùng ngày, Thẩm phán Hisham Mokhtar, phát ngôn viên chính thức của Ủy ban Bầu cử tối cao Ai Cập, cho biết sẽ có 67 tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và 6 NGO nước ngoài được phép giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp sắp tới. Ông Mokhtar cũng cho biết cuộc trưng cầu sẽ kéo dài từ 9 giờ đến 21 giờ trong hai ngày liên tiếp, song ngày cụ thể vẫn chưa được xác định.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp Amr Moussa khẳng định Ủy ban sẽ hoàn tất công việc vào cuối tuần này để dự thảo hiến pháp cuối cùng sẽ "sẵn sàng" vào tuần tới, có thể vào ngày 30/11 tới. Ông Moussa nhấn mạnh Hiến pháp mới của Ai Cập "mở rộng phạm vi nhiều quyền tự do, củng cố các nguyên tắc về bình đẳng giới và trao nhiều quyền cho phụ nữ hơn."
Trước đó, Chính phủ lâm thời Ai Cập do quân đội dựng lên sau cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua lật đổ chính quyền của Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi đã công bố lộ trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Bắc Phi này gồm 3 giai đoạn: sửa đổi và thông qua Hiến pháp mới; tổ chức cuộc bầu cử quốc hội và tiếp đó là cuộc bầu cử tổng thống.
Ủy ban sửa đổi hiến pháp - gồm 50 thành viên được Tổng thống lâm thời Atly Mansour bổ nhiệm với thành phần áp đảo bao gồm đại diện của các lực lượng tự do và cánh tả - đã bắt đầu hoạt động trong tháng Chín vừa qua để sửa đổi bản Hiến pháp năm 2012 bị quân đội đình chỉ ngày 3/7 vừa qua.
Ủy ban có thời hạn tối đa 60 ngày để hoàn tất dự thảo hiến pháp song công việc này hiện diễn ra chậm do những tranh cãi chủ yếu xung quanh vai trò của Luật Hồi giáo Sharia và quân đội. Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy ba năm, Ai Cập tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Trong diễn biến liên quan, ngày 25/11, ông Azazy Ali Azazy, phát ngôn viên của Mặt trận Cứu quốc (NSF) - liên minh đối lập chính chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi - đồng thời là lãnh đạo cấp cao của Đảng Trào lưu Nhân dân, tuyên bố lực lượng này sẽ kêu gọi cử tri bỏ phiếu thông qua dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.
Theo ông Azazy, mặc dù quan ngại về một số điều khoản, lực lượng này vẫn ủng hộ dự thảo hiến pháp nhằm không tạo cơ hội cho các lực lượng đen tối, ám chỉ tổ chức Anh em Hồi giáo lợi dụng "sự kiện xác nhận tính hợp pháp của cuộc cách mạng này."
Tuy nhiên, ông Azazy cũng chỉ trích việc Ủy ban sửa đổi hiến pháp đã bỏ phiếu bãi bỏ một điều khoản liên quan đến hạn ngạch số ghế trong Quốc hội của công nhân và nông dân - lực lượng đại diện cho hơn 65% xã hội Ai Cập.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Ai Cập ngày 25/11 đã bắn đạn hơi cay để giải tán các cuộc biểu tình của sinh viên Đại học Al-Azhar và Đại học Assiut phản đối quân đội và cảnh sát. Đây là động thái công khai đầu tiên thách thức chính quyền sau khi Luật biểu tình gây tranh cãi được Tổng thống lâm thời Adly Mansour ký sắc lệnh phê chuẩn hôm 24/11 vừa qua.
Cũng trong ngày 25/11, Bộ Nội vụ Ai Cập đã bắt đầu áp dụng luật trên khi cho phép các luật sư và các nhà hoạt động chính trị tổ chức biểu tình trước cửa Liên đoàn Luật sư Ai Cập ở Cairo và Hội đồng Nhà nước ở tỉnh Giza kế bên
Trong một tuyên bố trên trang Facebook chính thức của mình, cơ quan này lên tiếng kêu gọi tất cả những người biểu tình tuân thủ quy định của pháp luật và hợp tác với cảnh sát để bảo đảm an ninh cho các cuộc biểu tình, đồng thời không làm gián đoạn giao thông và ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức cùng ngày, Liên đoàn Luật sư Ai Cập tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn nếu Tổng thống không rút lại điều luật nói trên trong hai ngày tới.
Về phần mình, cựu ứng cử viên tổng thống và là Chủ tịch Đảng Ai Cập Mạnh mẽ Abdel Moneim Abouel Fotouh cho biết lực lượng này sẽ hợp tác với tất cả các nhóm chính trị và xã hội nhằm gây sức ép bãi bỏ điều luật này thông qua các phương pháp "hợp hiến và hợp pháp," cũng như các cuộc biểu tình hòa bình trên đường phố nhằm bày tỏ chính kiến.
Trước đó, ngày 24/11, Thủ tướng Hazem El-Beblawi nhận định luật mới không phải "hạn chế quyền biểu tình" mà sẽ bảo vệ quyền của những người biểu tình. Ngoài ra, luật không quy định người biểu tình cần phải xin phép trước khi tổ chức biểu tình, song họ cần "thông báo trước."
Động thái thông qua Luật biểu tình trên diễn ra trong bối cảnh sinh viên ở một số tỉnh đang tiến hành biểu tình nhân 100 ngày sự kiện lực lượng an ninh Ai Cập trấn áp hai khu lán trại của người biểu tình đòi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi./.
Nguồn Vietnamplus