Ai Cập chính thức lên tiếng về lý do phế truất tổng thống Mursi
Ông al-Sisi khẳng định, những lo ngại về nguy cơ đất nước bị chia rẽ bắt đầu xuất hiện từ năm 2012 sau cuộc trưng cầu ý dân do Tổng thống tiến hành, với việc thâu tóm ngày càng nhiều quyền lực. Hành động của cựu tổng thống, với việc thông qua bản Hiến pháp gây tranh cãi, đã khiến hàng trăm nghìn người Ai Cập phản đối chống lại ông trong một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đầu tiên kể từ khi ông Morsi đắc cử. Theo người đứng đầu lực lượng quân đội Ai Cập, ông Mursi đã mất tính hợp pháp sau những cuộc biểu tình rầm rộ này.
Ông al-Sisi nói: "Tháng 11/2012, tôi đã có cuộc nói chuyện với cựu Tổng thống và khi đó chúng tôi đã kêu gọi một cuộc đối thoại dân tộc và tất nhiên là không phải do chúng tôi dẫn đầu. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng, sự rạn nứt giữa các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục kéo Ai Cập đi xuống và gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa người dân Ai Cập".
Những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập đưa ra trong bối cảnh Ai Cập đang nỗ lực hoàn thiện chính phủ. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, động thái này của ông al-Sisi là nhằm kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể người dân, cũng như cộng đồng quốc tế đối với việc phế truất Tổng thống và chính quyền mới tại nước này, trong bối cảnh vẫn còn nhiều nghi ngại về hành động của quân đội ngày 3/7 vừa qua.
Kể từ sau khi tổng thống Mursi bị phế truất, những người ủng hộ ông Mursi vẫn tiếp tục các buổi cầu nguyện xung quanh một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Cairo, đồng thời kêu gọi bảo vệ tính hợp pháp của ông Mursi.
Đang bị giam giữ tại một địa điểm bí mật, Tổng thống bị phế truất Morsi phải đối mặt với một loạt cáo buộc như gián điệp, kích động bạo lực và phá hoại nền kinh tế. Tổng công tố viên Ai Cập ngày 14/7 cho biết đã đóng băng tài sản của 11 quan chức thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng chính trị xuất thân của ông Morsi và các nhà lãnh đại Hồi giáo khác. Tội danh kích động bạo lực cũng đã được đưa ra đối với nhiều nhân vật của Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Nguồn VOV News