Thứ Ba | 27/11/2012 23:23

Ai Cập: Biểu tình phản đối tuyên bố hiến pháp

Tại Cairo, các luật sư tiến về quảng trường Tahrir với biểu ngữ đòi chính phủ từ chức. Tại Tahrir, hàng nghìn người tiến hành các hoạt động phản đối chính phủ.
Ngày 27/11, hàng nghìn người tuần hành đến quảng trường trung tâm Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập, bắt đầu đợt biểu tình rầm rộ mới trên toàn quốc để phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Mohamed Morsi.

Tại Cairo, các luật sư tiến về quảng trường Tahrir với biểu ngữ đòi chính phủ từ chức. Ngay tại Tahrir, hàng nghìn người cũng tiến hành các hoạt động phản đối chính phủ.

Đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng cảnh sát với các thanh niên tham gia biểu tình gần khu vực Tahrir. Những người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục bám trụ tại Tahrir cho đến khi tổng thống hủy bỏ tuyên bố hiến pháp.

Nguồn thạo tin cho biết các nhà tổ chức đã lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết cho đợt biểu tình mới tại Tahrir.

Theo các nhân chứng, một bệnh viện dã chiến đã được dựng lên tại trung tâm quảng trường và hàng chục xe cứu thương đã đỗ bên ngoài Tahrir. Mọi tuyến giao thông đến khu vực này đều đã bị phong tỏa.

Biểu tình cũng nổ ra tại nhiều thành phố ở Ai Cập trong cùng thời điểm. Tại thành phố Alexandria, hàng trăm người tụ tập tại quảng trường Qaitbay hô to các khẩu hiệu lên án Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi, đã "đánh cắp thành quả cách mạng".

Các nhà tổ chức cho biết sẽ có thêm hai cuộc biểu tình khác diễn ra tại thành phố này trong ngày 27/11. Dự kiến, biểu tình cũng sẽ nổ ra ở vùng châu thổ sông Nile và miền Trung Arập.

Trước đó một ngày, nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Morsi có cuộc gặp với các thẩm phán cấp cao. Tuy nhiên, một thẩm phán cho biết cuộc họp đã thất bại và cuộc khủng hoảng chưa kết thúc.

Người phát ngôn của tổng thống cũng tuyên bố sẽ không có thay đổi trong tuyên bố hiến pháp của tổng thống.

Khủng hoảng bùng phát tại Ai Cập sau khi Tổng thống Morsi ban hành sắc lệnh hiến pháp, trong đó đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng Lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.

Sắc lệnh đã gây nên sự phản ứng dữ dội từ phe đối lập Ai Cập, đặt tổng thống vào thế đối đầu với ngành tư pháp. Giới thẩm phán và báo chí Ai Cập cũng đã kêu gọi đình công để phản đối tổng thống.

Ai Cập đang rơi vào một cuộc khủng hoảng mới với những diễn biến tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak hai năm về trước.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện