Chủ Nhật | 08/06/2014 13:30

AFTA - một thị trường chung rộng mở

Một thị trường chung với hơn 500 triệu dân vừa là cơ hội, vừa là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập AFTA.
Tháng 8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng cho phát triển khu vực. 5 nước thành viên sáng lập ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan. Brunei tham gia vào ASEAN năm 1984, tiếp theo là Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1999 và Campuchia trở thành thành viên thứ 10 vào năm 2000.

Với mục tiêu biến ASEAN thành một khu vực sản xuất cạnh tranh trên thị trường thế giới, khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã chính thức được thành lập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ IV vào năm 1992. Một trong những bước quan trọng nhằm thực hiện được mục tiêu trên là tạo thuận lợi cho thương mại nội khối thông qua việc xoá bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên.

AFTA - những nội dung cơ bản
AFTA được hình thành trên cơ sở chính là Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff - CEPT). Nghĩa vụ chính của các nước thành viên khi tham gia Hiệp định này là thực hiện việc cắt giảm và xoá bỏ thuế quan theo một lộ trình chung có tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển và thời hạn tham gia của các nước thành viên.

Theo cam kết, các nước thành viên phải giảm thuế nhập khẩu xuống 0-5% trong vòng 10 năm. Theo đó, 6 nước thành viên cũ của ASEAN, gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan sẽ hoàn thành việc cắt giảm thuế quan xuống 0-5% vào 2003 và đối với Việt Nam là 2006. Tuy nhiên, để theo kịp xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu hoá, các nước ASEAN đã cam kết xoá bỏ hoàn toàn thuế quan vào năm 2010 đối với ASEAN 6 và 2015 có linh hoạt đến 2018 đối với 4 nước thành viên mới là Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam (CLMV). Như vậy đến 2015, Việt Nam sẽ cơ bản xóa bỏ thuế quan với các mặt hàng.

Các nước ASEAN cũng đã cam kết đẩy nhanh tiến trình hội nhập ASEAN đối với 12 lĩnh vực ưu tiên gồm gỗ, ôtô, cao su, dệt may, nông nghiệp, thuỷ sản, điện tử, công nghệ thông tin, y tế, vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ logistics, theo đó thuế quan sẽ được xoá bỏ sớm hơn 3 năm, đó là vào năm 2007 đối với ASEAN 6 và 2012 đối với các nước CLMV.

Để thực hiện dần dần việc cắt giảm thuế quan, mỗi nước sẽ phải phân loại tất cả hàng hóa của mình vào một trong các danh mục sau: Danh mục giảm thuế ngay (IL), danh mục tạm thời chưa giảm thuế (TEL), danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL), danh mục nông sản chưa chế biến nhạy cảm (SEL).

Danh mục giảm thuế (IL) bao gồm những mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế quan để đến khi hoàn thành CEPT sẽ có thuế suất 0-5%. Ngay sau khi ký CEPT, mỗi nước ASEAN phải đưa ra IL của mình để bắt đầu giảm thuế quan từ năm 1993. Trên thực tế, không phải mặt hàng nào trong IL cũng thực sự phải giảm thuế quan, vì có những mặt hàng trước khi đưa vào IL đã có thuế suất dưới 5%, thậm chí bằng 0%.

Danh mục loại trừ tạm thời (TEL) bao gồm những mặt hàng chưa đưa vào giảm thuế quan ngay, do các nước thành viên ASEAN phải dành thêm thời gian để điều chỉnh sản xuất trong nước thích nghi với môi trường cạnh tranh quốc tế gia tăng.

Sau ba năm kể từ khi tham gia CEPT, các nước ASEAN phải bắt đầu chuyển dần các mặt hàng từ TEL sang IL, tức là bắt đầu giảm thuế quan đối với những mặt hàng này. Quá trình chuyển từ TEL sang IL được phép kéo dài trong 5 năm, mỗi năm phải chuyển được 20% số mặt hàng. Điều đó có nghĩa là đến hết năm thứ tám thì IL đã mở rộng bao trùm toàn bộ TEL, và TEL không còn tồn tại. Khi đưa mỗi mặt hàng vào IL, các nước đồng thời phải chỉ ra lịch trình giảm thuế quan của mặt hàng đó cho đến khi hoàn thành CEPT.

Danh mục loại trừ hoàn toàn (GEL) bao gồm những mặt hàng không có nghĩa vụ phải giảm thuế quan. Các nước thành viên ASEAN có quyền đưa ra danh mục các mặt hàng này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật; bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ... GEL không phải là Danh mục các mặt hàng Chính phủ cấm nhập khẩu (NK). Một số mặt hàng có trong GEL vẫn được NK bình thường, nhưng không hưởng thuế suất ưu đãi như các mặt hàng trong danh mục giảm thuế.

Danh mục các sản phẩm nông sản chưa chế biến nhạy cảm và nhạy cảm cao (SEL) là những sản phẩm được thực hiện theo một lịch trình giảm thuế về giới hạn riêng, các nước ký một Nghị định thư xác định việc thực hiện cắt giảm thuế cho các sản phẩm này. Thời gian cắt giảm từ 1/1/2001 đến 1/1/2010, mức thuế giảm xuống 0-5%, nghĩa là kéo dài thời hạn hơn các sản phẩm phải thực hiện nghĩa vụ theo CEPT.

Ngoài ra, các nước ASEAN cũng quyết tâm xoá bỏ các rào cản phi quan thuế (hạn ngạch thuế quan, giấy phép…) bằng việc thống nhất một kế hoạch rà soát, phân loại và lên kế hoạch loại bỏ các biện pháp phi thuế quan có tính cản trở thương mại.

Xuất xứ cũng là một yếu tố quan trọng được các nước ASEAN tập trung xây dựng những bộ quy tắc mới, bổ sung cho quy tắc xuất xứ chung (hàm lượng 40%) của ASEAN. Việc nới lỏng quy tắc xuất xứ được cho là biện pháp quan trọng để thúc đẩy thương mại trong nội khối ASEAN.
Việt Nam – Tiến trình gia nhập AFTA

Bắt đầu thực hiện Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) nhằm thiết lập AFTA từ năm 1996 nhưng Việt Nam chỉ thực sự cắt giảm thuế quan từ năm 1999 khi nhóm các mặt hàng đầu tiên từ Danh mục loại trừ tạm thời (TEL) được chuyển vào cắt giảm thuế quan theo CEPT.

Theo quy định của Hiệp định CEPT, các mặt hàng của Việt Nam được chia thành 2 nhóm chính.

Nhóm các mặt hàng cắt giảm và xoá bỏ thuế quan chiếm hầu hết các mặt hàng, có lộ trình giảm thuế từ năm 1996, giảm thuế suất xuống mức 0-5% vào năm 2006 và xoá bỏ thuế quan vào năm 2015, với một số mặt hàng được linh hoạt đến 2018. Ngoài ra, các mặt hàng công nghệ thông tin, phù hợp với diện mặt hàng của WTO sẽ được xoá bỏ thuế quan trong 3 năm 2008-2010. Đồng thời các mặt hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên hội nhập (12 lĩnh vực) sẽ được xoá bỏ sớm hơn là vào năm 2012 thay vì 2015, trong đó có 9 lĩnh vực hàng hoá gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, ôtô, cao su, dệt may, sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản, điện tử, công nghệ thông tin, y tế (thiết bị, thuốc men).

Nhóm hàng nông sản nhạy cảm gồm 89 dòng thuế là các mặt hàng nông sản chưa chế biến, gồm một số loại gạo, hoa quả, thực phẩm, đường. Những mặt hàng này không phải xoá bỏ thuế quan, có lộ trình giảm thuế từ năm 2004 xuống mức thuế suất cao nhất là 5% vào năm 2013 (trừ mặt hàng đường là 2010).

Việc hạ thuế quan trong khuôn khổ AFTA góp phần vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nội bộ các nước ASEAN theo hướng các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn như Malaysia, Thái Lan, Singapore tăng cường đầu tư vào các ngành sử dụng nhiều nhân công và có khả năng tận dụng thuế suất AFTA. Bên cạnh đó, AFTA thúc đẩy thu hút FDI từ các nước ngoài ASEAN vào Việt Nam ở những lĩnh vực có thể tận dụng nguồn nguyên liệu chung của ASEAN và nhân công rẻ của Việt Nam.

Về mặt Nhà nước, nguồn thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu chắc chắn sẽ giảm. Bảo hộ chính phủ đối với các doanh nghiệp cũng xóa bỏ. Trên lý thuyết, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ được bù lại bằng tăng thu do kim ngạch buôn bán tăng và tăng thu từ các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt… Tuy nhiên, thực tế còn phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất trong nước, hiệu quả của hệ thống thuế và bộ máy thu thuế.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN tăng 20% ngay năm đầu tiên thực hiện CEPT (1996). Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng trưởng chậm trong thời gian gần đây, cụ thể năm 2010 là 19,4%, năm 2011 là 28,8%, năm 2012 là 9,4% và năm 2013 là 3,5%. Theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 6 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN đạt 7,2 tỷ USD.

Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN gạo, dầu thô… Trong đó, lần lượt Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines là các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Kể từ 1/1/2015 khi thuế quan với hầu hết hàng hóa giao dịch trong khối về 0, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi thâm nhập thị trường các nước thành viên ASEAN nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các đối thủ khu vực.

Những quy định thương mại, đầu tư cởi mở và thông thoáng hơn sẽ thu hút được nhiều nguồn lực từ nội bộ khối cũng như các nhà đầu tư bên ngoài vào Việt Nam.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện