ADB: Nợ gia tăng - rủi ro khủng hoảng tài chính đối với châu Á
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các khoản vay ngân hàng và trái phiếu tăng nhanh ở 14 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất châu Á làm cho con số nợ trong nước tăng gần gấp đôi, từ 18,3 nghìn tỷ USD lên 34,1 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2009 - 2013. Trong đó, trái phiếu được xem là một nguồn cấp vốn quan trọng, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng.
Đáng lưu ý là, một phần lớn trong tổng số nợ công gia tăng nói trên là do tăng trưởng tín dụng quá nhanh ở Trung Quốc với 2/3 tổng dư nợ trong năm 2013.
Một điểm đáng lưu ý khác là, hầu hết nợ mới phát sinh đều từ khu vực tư nhân. ADB cho biết, tỷ lệ nợ tư nhân đã tăng hơn 2 lần từ năm 2009 đến năm 2013, trong khi nợ chính phủ chỉ tăng 58%.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng hỗ trợ tăng trưởng nhưng nợ gia tăng mang lại rủi ro khủng hoảng tài chính cho bất kỳ nền kinh tế nào, ADB nhận định. Đơn giản vì, khi tín dụng tăng quá nhanh, các chuẩn mực cho vay có thể bị hạ thấp, dẫn đến tình trạng vay quá nhiều và hình thành bong bóng giá tài sản.
Theo các chuyên gia kinh tế tại ADB, các nhà hoạch định chính sách tại châu Á cần thận trọng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn vào tăng mạnh và chính sách tiền tệ đang được nới lỏng.
Ngoài ra, chính sách vĩ mô thận trọng cũng có thể giảm thiểu nguy cơ gây mất ổn định tài chính do tăng trưởng tín dụng. Nói cách khác, một hệ thống tài chính lành mạnh, hiệu quả và được điều tiết tốt có thể giúp duy trì đà tăng trưởng của khu vực mà không đe dọa đến sự ổn định, ADB kết luận.
Nguồn DVO/ ADB