Thứ Ba | 17/07/2012 16:28

ADB mở rộng tài trợ thương mại bằng nhân dân tệ và rupee

Động thái trên nhằm đối phó thiếu hụt USD, đồng thời nhu cầu giao thương bằng 2 tiền tệ này của nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam khá cao.
Đồng thời đây cũng là tín hiệu chỉ ra xu hướng quốc tế hoá tiền tệ Trung Quốc và Ấn Độ, vốn được hơn 1/3 dân số thế giới sử dụng. Bên cạnh đó, nửa đầu 2012, nhu cầu nhận được tài trợ thương mại từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tăng 40% do các ngân hàng hạn chế cho vay trong bối cảnh quy định vốn ngân hàng chặt chẽ hơn, và khủng hoảng châu Âu lan rộng. Hiện tại ADB đã thực hiện tài trợ thương mại bằng USD, euro, yên.

Việc chấp nhận tài trợ thương mại bằng rupee và nhân dân tệ, sẽ "giảm phụ thuộc vào vai trò thanh toán của đồng USD, vốn thiếu hụt ở nhiều nước", Steven Beck, Giám đốc chương trình Hỗ trợ thương mại quốc tế (Trade Finance Program-TFP) nhận định. Ông cho rằng đây là xu hướng đang diễn ra trong cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc họp hội đồng ngày 17/7, ADB cũng mở rộng chương trình tài trợ thương mại, dự kiến hết hạn năm 2013 sang vô thời hạn do thiếu hụt nguồn tài trợ thường xuyên ở châu Á, đặc biệt các nước Bangladesh, Việt Nam, Pakistan, Sri Lanka và Nepal.

Hơn 90% giao dịch ngoại thương ở châu Á thông qua USD, tuy nhiên tỷ lệ này có thể giảm những năm sắp tới. Trong 10 năm tới, thương mại nội khối sẽ chiếm ít nhất 1 nửa giao dịch ngoại thương của các nước châu Á, ADB cho biết.

Các nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào tài trợ thương mại, trong đó các nhà xuất khẩu được đảm bảo sẽ được thanh toán. Nếu không có sự đảm bảo, mà thường thông qua thư tín dụng (L/C) của ngân hàng phát hành, thương mại giữa các nước mới nổi có thể giảm mạnh, do người mua không đủ khả năng thanh toán nhanh chóng, và người xuất khẩu không cảm thấy yên tâm khi bán hàng.

Năm 2011, ADB cung cấp 3,5 tỷ USD cho vay và bảo lãnh cho các doanh nghiệp, thông qua hệ thống 200 ngân hàng đối tác, nhằm hỗ trợ giao thương ở 16 nước đang phát triển châu Á. ADB cho biết, nhu cầu tài trợ thương mại bằng rupee ở Bhutan và Nepal rất lớn. Trong khi nhu cầu tài trợ thương mại bằng nhân dân tệ cũng rất cao ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Nguồn WSJ/ DVT


Sự kiện