Thứ Tư | 11/04/2012 16:33

ADB: Kinh tế Trung Quốc 2012 tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét sức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu trong nước chứ không phải xuất khẩu.
Triển vọng kinh tế Trung Quốc trong năm 2012

ADB cho rằng từ năm 2012 trở đi, bất chấp những triển vọng xấu của toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng song khá chậm chạp.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp phải nhiều thách thức do kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chủ yếu vẫn chậm chạp, khủng hoảng nợ (eurozone) sẽ không thể xấu hơn, kinh tế Mỹ tuy có tiến triển nhưng vẫn chậm.

Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra trong tháng 12/2011 ở Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu cho kinh tế năm 2012, trong đó mục tiêu tiếp tục tăng cường và cải thiện điều tiết vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh được đưa lên hàng đầu.

Tại Hội nghị này, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 12 cho năm tài chính 2012. Các mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch này của Trung Quốc là kiềm chế lạm phát, thu hẹp khoảng cách về thu nhập cho đại bộ phận dân chúng và giải quyết những nguy cơ về bất ổn xã hội.

Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và kìm chế lạm phát ở mức 4%. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tổng thâm hụt tài chính ở mức 1,7% GDP trong năm 2012 và 2% trong năm 2013.

Kết quả kinh tế Trung Quốc năm 2011

Trong năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng song đã có dấu hiệu bị suy giảm.

ADB cũng nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang dần đa dạng hóa, nhập khẩu tăng và thặng dư thương mại giờ chỉ đóng góp một phần nhỏ trong xuất lượng kinh tế.

Sự tăng giá của đồng nhân dân tệ, mức lương tăng, chênh lệch thu nhập tăng cùng các mối quan tâm về môi trường sẽ ảnh hưởng tới mô hình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Trong năm 2011 do khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là EU, Mỹ và Nhật phục hồi chậm, EU lâm vào khủng hoảng nợ công… tình hình này ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu của Trung Quốc.

Xuất khẩu của Trung Quốc năm qua giảm từ 31% xuống còn 20%. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng mạnh, từ 25% lên đến 39%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc có xu hướng thu hẹp, chỉ chiếm 2,2% GDP (tương đương 158 tỷ USD) và chiếm chưa đến 4,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Lạm phát - tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - lên 6,5% trong tháng 7/2011, mức cao nhất trong 3 năm qua, và hạ xuống còn 4,1% trong tháng 12/2011. Tính chung cả năm, CPI Trung Quốc vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 4%.

GDP của Trung Quốc trong năm 2011 tăng 9,2% bất chấp nhu cầu quốc tế về đối với các loại mặt hàng xuất khẩu đã giảm và những ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt trong nước của Trung Quốc. Lượng đầu tư và tiêu thụ trong các lĩnh vực cũng tăng.

Nguồn DVT


Sự kiện