Thứ Hai | 20/08/2012 11:31

ADB: Kinh tế Myanmar có thể tăng trưởng 8% trong 10 năm tới

Myanmar có thể trở thành "ngôi sao mới" ở châu Á với tăng trưởng kinh tế trung bình 8% trong thập kỷ tới, ADB nhận định.
Theo báo cáo hôm nay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), triểu vọng ngắn hạn kinh tế Myanmar "tương đối khả quan" nhờ doanh thu từ hàng hóa, và đầu tư nước ngoài tăng. Tăng trưởng kinh tế Myanmar thập kỷ tới có thể đạt 8%/năm khi lạm phát duy trì thấp và chính phủ Myanmar tăng cường giao lưu thương mại với láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ.

Với mức tăng trưởng 8%/năm, GDP trên đầu người của Myanmar có thể đạt 3.000 USD vào năm 2030.

Cyn-Yong Park, trợ lý kinh tế trưởng của ADB, và đồng tác giả báo cáo trên cho biết Myanmar có nguồn tài nguyên phong phú, dân số trẻ cùng vị thế chiến lược trong khu vực, giúp Myanmar nhiều khả năng đạt tăng trưởng ấn tượng trong thời gian khá ngắn.

Tuy nhiên, tăng trưởng Myanmar vẫn phải đối mặt với các rủi ro như khả năng quản lý vĩ mô còn yếu, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, cùng doanh thu thuế thấp. Chỉ khoảng 1/4 dân số nước này có điện và kết nối Internet trên quy mô lớn còn thưa thớt.

Mặc dù luật thông qua tháng trước giúp ngân hàng trung ương Myanmar chủ động hơn, các nhà lập pháp nước này phải đối mặt thách thức giữ tiền tệ và lạm phát ổn định khi dòng tiền chảy vào nước này tăng, ADB cho biết. Myanmar đã bỏ tỷ giá cố định hồi tháng 4 và đang đẩy mạnh nới lỏng hạn chế với dòng tiền vào.

Ông Park nhận định ổn định vĩ mô chính là nhân tố quan trọng đảm bảo tăng trưởng ít nhất trong trung hạn cho Myanmar, và ngân hàng trung ương nước này cần độc lập và làm mạnh mình hơn nữa để quản lý tài chính tiền tệ.

Tổng thống Myanmar Thein Sein đẩy mạnh hiện đại hóa nền kinh tế và chấp nhận tự do chính trị hơn từ khi lên nhậm chức năm ngoái. Điều này khiến các quốc gia phương Tây nới lỏng lệnh trừng phạt và thu hút các công ty nước ngoài như Coca Cola và Visa. Myanmar dự định phát triển ngành nông nghiệp, chiếm gần 2/3 lực lượng lao động nước này.

Nguồn Bloomberg/ Khampha


Sự kiện