ADB: Giá dầu tăng có thể làm đảo lộn triển vọng tăng trưởng của châu Á
Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, các phép mô phỏng bằng mô hình kinh tế lượng cho thấy, nếu việc giá dầu tăng mạnh trở lại, châu Á sẽ chịu tác động mạnh hơn các khu vực khác.
Theo tính toán của ADB, nếu giá dầu phục hồi lên 100 USD/thùng trong vòng 1 năm tới, thì tăng trưởng kinh tế châu Á có thể giảm đến 1 điểm % trong năm 2016. Khi đó, để bù lại tác động của giá dầu, châu Á có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, theo ADB.
Còn trong bối cảnh hiện nay khi giá dầu vẫn ở mức thấp, các nước nhập khẩu dầu như Indonesia hay Ấn Độ, lại có cơ hội hủy bỏ các chương trình trợ cấp giá nhiên liệu tốn kém, hoặc tăng thuế nhiên liệu mà không ảnh hưởng nhiều đến hộ gia đình và doanh nghiệp.
Ngược lại, các nước xuất khẩu dầu cũng có cơ hội tiến hành cải cách cơ chế trợ cấp và thuế để giảm áp lực với ngân sách nhà nước và đa dạng hóa nền kinh tế.
Đối với lạm phát, sự thay đổi của giá dầu đối với lạm phát tiêu dùng là khá nhỏ ở tất cả các nền kinh tế châu Á trong ngắn hạn. Riêng đối với Thái Lan - được cho là chịu tác động lớn nhất, nếu giá dầu thô giảm 10%, lạm phát sẽ giảm gần 0,2 điểm % sau 1 tháng.
Tác động của giá dầu thậm chí còn nhạt nhòa hơn ở những nền kinh tế mà giá dầu bán cho người tiêu dùng không được quyết định bởi cơ chế thị trường.
ADB kết luận, nếu như giá dầu thế giới tiếp tục thay đổi thì tác động chung đối với lạm phát ở những nước sản xuất dầu lửa lớn sẽ thấp hơn dù giá tiêu dùng ở tất cả các nền kinh tế đều phần nào được điều chỉnh.
Nguồn DVO/ ADB