Thứ Năm | 25/09/2014 14:52

ADB duy trì dự báo tăng trưởng năm 2015 của khu vực châu Á đang phát triển

Trong báo cáo Triển vọng tăng trưởng châu Á ngày 25/9, ADB duy trì dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á trong năm tới.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, các nước châu Á đang phát triển vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới tuy tăng trưởng kinh tế tại một số nền công nghiệp lớn đang chậm lại do thiếu cải cách cơ cấu.

Cụ thể, ADB dự báo, tăng trưởng GDP của khu vực châu Á đang phát triển năm 2014 sẽ đạt 6,2% trước khi tăng lên 6,4% năm 2015. Trước đó năm 2013, khu vực này đã tăng trưởng 6,1%.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Shang-Jin Wei tại ADB, nhu cầu tiêu dùng của nước ngoài chậm lại đã ảnh hưởng rất mạnh đến một số nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, kinh tế toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang trên đà tăng trưởng bền vững trong năm 2014 và 2015. Trong đó, 3 nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia cần phải tăng cường cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, ADB dự báo, giá tiêu dùng của khu vực năm nay sẽ tăng 3,4% và tiếp tục lên 3,7% trong năm tới nhờ giá thực phẩm giảm và giá dầu ổn định.

Đối với Trung Quốc, các biện pháp kích thích mục tiêu nhằm ổn định môi trường đầu tư đã giúp nước này duy trì đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2014. Cụ thể, sau khi tăng trưởng 7,4% trong 3 tháng đầu năm, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng 7,5% trong quý II nhờ chi tiêu tiêu dùng ổn định và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước ngoài cải thiện hơn. Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã triển khai biện pháp nới lỏng tiền tệ cũng như các kích thích tài chính nhỏ nhằm duy trì đà tăng trưởng trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng tín dụng nằm trong kiểm soát. ADB dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014 trước khi giảm xuống 7,4% trong năm tới.

Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ lại có tiềm năng phục hồi mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của tân chính phủ. Thủ tướng vừa đắc cử Narendra Modi cho biết sẽ quyết tâm theo đuổi cải cách, giúp nền kinh tế phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. ADB duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 2014 ở 5,5% nhưng nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 lên 6,3%.

Bảng dự báo tóm tắt của ADB (Nguồn: ADB)
Dự báo tóm tắt của ADB (Nguồn: ADB)

Xét theo khu vực, tăng trưởng GDP của khu vực Đông Á dự báo sẽ duy trì ở 6,7% trong cả năm 2014 và 2015. Trong báo cáo, ADB đặc biệt mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng của Mông Cổ do vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm và các dự án khai mỏ bị đình trệ. Lạm phát của khu vực này dự báo sẽ chậm lại ở 2,4% trong năm 2014 trước khi lên 2,9% trong năm sau.

Tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á sẽ khởi sắc hơn với dự báo tăng trưởng được nâng nhẹ lên 5,4% trong năm nay và tiếp tục tăng lên 6,1% trong năm 2015 (cao hơn 0,3 điểm % so với dự báo trước đó). Trong đó, kinh tế Bangladesh và Pakistan dự báo tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu và kiều hối tăng. Dự báo lạm phát của khu vực giảm khoảng 1/3 điểm % xuống 6,1% trong năm 2014 và 5,9% trong năm tới.

ADB cho biết, kinh tế khu vực Đông Nam Á cũng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2015 sau khi giảm nhẹ trong năm nay. Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 của khu vực bị giảm xuống 4,6% so với 5% trong báo cáo trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP của Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đồng loạt bị hạ điểm do nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm.

Ngoài ra, ADB cũng hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Trung Á, phần lớn là do tình trạng suy yếu trầm trọng của kinh tế Liên bang Nga. Theo đó, tăng trưởng kinh tế khu vực giảm xuống 5,6% trong năm 2014 trước khi tăng trở lại 5,9% trong năm 2015.

Nguồn Theo DVO/ ADB


Sự kiện