Thứ Bảy | 24/05/2014 15:37

ADB cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tại Đông Nam Á

ADB cảnh báo, cuộc khủng hoảng đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn chưa phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Phó Chủ tịch ADB, Stephen Groff, nói rằng số vốn đầu tư của khu vực tư nhân rót vào cơ sở hạ tầng tại 5 nước trong số những nước thành viên lớn nhất Đông Nam Á đã giảm mạnh. Số vốn này năm 1997 ở mức 38 tỷ USD, nhưng sau đó đã giảm xuống khoảng 25 tỷ USD vào năm 2010.

Năm thành viên mà Phó Chủ tịch ADB đề cập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Các thành viên khác là Singapore, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei.

Theo kế hoạch, Đông Nam Á sẽ tạo lập một thị trường chung với 600 triệu người vào năm 2015. Khu vực này cần chi 60 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ông Groff cho hay mức chi hiện nay của ASEAN vào khoảng một nửa số này.

Mặc dù trong những năm gần đây một số nước đạt được tiến bộ trong việc khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng thông qua việc giải quyết các vấn đề pháp lý để tháo gỡ những yếu tố cản trở sự tham gia của khu vực tư nhân, song quá trình này không đơn giản và cần nhiều thời gian.

Theo Phó Chủ tịch ADB, cần xem xét việc hỗ trợ cơ chế lãi suất, cơ chế giảm thiểu rủi ro, đồng thời phát triển các dự án thu hút đầu tư tư nhân cũng như thu hút trở lại các khoản tiền tiết kiệm đang được đầu tư vào trái phiếu chính phủ ở Mỹ và châu Âu với lãi suất khá thấp.

Để đem về những dòng vốn này, ADB đã hỗ trợ phát triển Quỹ hạ tầng ASEAN; quỹ này bắt đầu cho vay hồi năm ngoái. Cho đến nay, Quỹ đã tài trợ cho hai dự án cơ sở hạ tầng ở Indonesia và đang chuẩn bị hỗ trợ nhiều dự án khác. Quỹ trên nằm dưới sự quản lý của ADB, với nguồn vốn do các nước thành viên ASEAN và ngân hàng trong khu vực đóng góp.

Bộ trưởng tài chính Indonesia, Muhamad Chatib Basri, nói rằng cơ sở hạ tầng là "ưu tiên hàng đầu" đối với Indonesia, sau khi nước này tạo lập được sự ổn định chính trị dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono. Tuy nhiên, theo ông, thách thức chủ yếu trong tương lai không chỉ là tăng trưởng ổn định mà là tăng trưởng được chia sẻ.

Nguồn Vn Plus


Sự kiện