Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng tình hình hiện tại là do thời tiết bất lợi ở vùng cao nguyên Gangwon.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 14/10/2022 15:41

Ác mộng của người dân Hàn Quốc: Khủng hoảng kim chi

Tình trạng khan hiếm bắp cải đang ảnh hưởng đến không chỉ kim chi tự làm mà còn cả kim chi sản xuất thương mại của Hàn Quốc.

Dưới chân dãy núi Taebaek gồ ghề, ông Roh Sung-sang đang khảo sát thiệt hại đối với cây trồng của mình. Hơn một nửa số bắp cải trong mảnh đất rộng 4000 mét vuông của ông đã héo úa và biến dạng vì phải chống chọi với cái nóng và lượng mưa quá lớn trong suốt mùa hè.

Ông Roh, 67 tuổi, người đã trồng cải bắp ở vùng cao nguyên của tỉnh Gangwon trong hai thập kỷ, cho biết: “Vụ mất mùa này không phải là chuyện chỉ xảy ra trong một năm. Tôi cứ nghĩ bắp cải của mình sẽ được bảo vệ bởi độ cao và các ngọn núi xung quanh."

Ông Roh Sung-sang đang khảo sát thiệt hại đối với cây trồng của mình. Ảnh: WSJ.
Ông Roh Sung-sang đang khảo sát thiệt hại đối với cây trồng của mình. Ảnh: WSJ.

Với khí hậu mát mẻ điển hình, vùng núi cao của Hàn Quốc này là trung tâm sản xuất vào mùa hè cho bắp cải Napa, một thành phần chính trong kim chi, món ăn đặc sắc của Hàn Quốc. Nhưng năm nay, gần nửa triệu cây bắp cải, vốn dĩ phải được tẩm gia vị và lên men để làm kim chi, đã bị bỏ rơi trên các cánh đồng của ông Roh. Nhìn chung, sản lượng thu hoạch tại thành phố Taebaek chỉ bằng 2/3 so với mọi năm, theo ước tính của chính quyền địa phương.

Kết quả là cả nước Hàn Quốc phải đón nhận một cuộc khủng hoảng kim chi. Giá tiêu dùng của bắp cải Napa trong tháng này đã tăng vọt lên 7,81 USD/cây, so với mức trung bình hàng năm khoảng 4,17 USD, theo Tập đoàn Thương mại Nông thủy sản Hàn Quốc.

Một người bán rau chuẩn bị kim chi tại quầy hàng của mình ở Seoul. Ảnh: AFP.
Một người bán rau chuẩn bị kim chi tại quầy hàng của mình ở Seoul. Ảnh: AFP.

Bà Sung Ok-Koung, 56 tuổi, một người nội trợ ở Seoul, cho biết: “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả cái giá trên trời cho một cây bắp cải. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, người Hàn Quốc ăn món này trung bình 7 lần/tuần.

Tình trạng khan hiếm bắp cải đang ảnh hưởng đến không chỉ kim chi tự làm mà còn cả kim chi sản xuất thương mại.

Chi phí tăng cao đã khiến Daesang, công ty sản xuất kim chi hàng đầu của Hàn Quốc, phải tăng giá 10% bắt đầu từ tháng tới. Kim chi bắp cải, loại phổ biến nhất, đã hết hàng trên trung tâm mua sắm trực tuyến của công ty trong cả tháng. (Món kim chi cũng có thể được làm từ củ cải, dưa chuột, hành lá và các loại rau khác.)

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho rằng tình hình hiện tại là do thời tiết bất lợi ở vùng cao nguyên Gangwon và hứa sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể, bao gồm cả nhập khẩu, để ổn định giá cả.

Trang trại ở vùng cao tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Trung tâm sản xuất bắp cải Napa vào mùa hè, được sử dụng để làm kim chi. Ảnh: WSJ.
Trang trại ở vùng cao tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Trung tâm sản xuất bắp cải Napa vào mùa hè, được sử dụng để làm kim chi. Ảnh: WSJ.

Trong 5 mùa hè vừa qua ở Taebaek, có khoảng 20 ngày nhiệt độ tối đa lên tới 33 độ C (91,4 độ F), mức mà Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc đánh giá là đợt nắng nóng gay gắt. Theo dữ liệu của cơ quan này, trong những năm 1990 không có ngày nào nhiệt độ đạt đến mức này.

Bắp cải yêu cầu điều kiện ôn đới để phát triển tối ưu. Nhưng ngoài việc đối mặt với thời tiết ấm hơn, người trồng phải đối mặt với các hiện tượng cực đoan ngày càng thường xuyên, bao gồm mưa lớn và bão, có thể hủy hoại thu nhập của cả một mùa.

Đợt nắng nóng mùa hè năm nay kéo theo mưa xối xả ở tỉnh Gangwon và các nơi khác. Những cây bắp cải sống sót được sau thời tiết khắc nghiệt thường trở thành nạn nhân của dịch bệnh.

Điều kiện ở khu vực Taebaek đang trở nên khó khăn hơn đối với những người trồng trọt khi hành tinh nóng lên.
Điều kiện ở khu vực Taebaek đang trở nên khó khăn hơn đối với những người trồng trọt, khi thời tiết ngày càng nóng lên. Ảnh: WSJ.

Ông Jeon Sang-min, giám đốc phân phối tại hợp tác xã nông nghiệp Taebaek, cho biết sản lượng bắp cải trong khu vực đã giảm trong thập kỷ qua. Với sự quan tâm đến biến đổi khí hậu, ông đã tìm kiếm các loại trái cây và rau quả thay thế có thể “chống chọi với thời tiết thất thường”. Ông lo ngại rằng nông dân có thể cần phải chuyển sang “cây trồng cận nhiệt đới” trong tương lai gần.

Một số người trồng ở Taebaek đã từ bỏ cải bắp để chuyển sang trồng táo. Các vườn táo của Hàn Quốc, theo truyền thống được tìm thấy ở tỉnh Gyeongsang phía nam, đã xuất hiện ở những vùng khí hậu phía bắc nhiều hơn.

Bất chấp việc giá thị trường đối với bắp cải Napa tăng vọt, ông Roh và những người nông dân của ông vẫn thua lỗ trong năm nay do chi phí tăng cao. Ông nhận thấy những thách thức chất chồng trong công việc kinh doanh và do đó, ông không có kế hoạch chuyển giao trang trại bắp cải cho hai đứa con của mình.

Ông Kim Myung-hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Nếu biến đổi khí hậu tiếp tục với tốc độ hiện tại, vào những năm 2090, năng suất bắp cải vùng cao Hàn Quốc sẽ giảm 99%, về cơ bản có nghĩa là không còn vụ mùa nào nữa”.

Có thể bạn quan tâm:

 Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%

Nguồn WSJ