Chia rẽ trong nội bộ BOJ về tính khả thi của mục tiêu lạm phát 2%
Cũng trong tuần này, tại một cuộc hội thảo được tổ chức tại Tokushima, bà Sayuri Shirai, một trong những thành viên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã đứng lên phát biểu rằng, BOJ sẽ phải làm "tất cả những gì có thể" để đạt mục tiêu lạm phát 2% và "chúng tôi không ngần ngại hành động nhiều hơn nếu nền kinh tế và giá cả vẫn thể hiện những tín hiệu yếu kém".
Trên một phương diện khác, bà cũng hy vọng Nhật Bản sẽ cần thêm những biện pháp nới lỏng tiền tệ mới trong những tháng tiếp theo. Nhận định trên có vẻ kém lạc quan hơn đôi chút so với ý kiến đưa ra trước đó của Haruhiko Kuroda, thống đốc BOJ. Ông chỉ đơn giản nêu lên rằng, BOJ cần "điều chỉnh" chính sách của mình.
3 rủi ro đối với BOJ
Sayuri Shirai đã xác định rõ 3 rủi ro có thể đè năng lên tăng trưởng quốc gia của Nhật Bản và đã được thể hiện qua sự chậm lại rõ rệt kể từ mùa hè năm nay.
Trước tiên, đó là sự phục hồi không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu. Tiếp đến là những nghi ngờ về sự tiến triển đạt được trên thị trường lao động. Mà đặc biệt là rủi ro thứ ba đến từ tiền lương. Theo bà Shirai, mức lương của người lao động cần được tăng lên nhằm củng cố một cách bền vững sự bứt phá trở lại trong tổng cầu và giá cả.
Quả thật ý kiến trên của bà Shirai tương đồng với nhận định của Audrey Gasteuil-Rougier, chuyên gia kinh tế đến từ ngân hàng Société Générale. Ông cho rằng, nhờ sự khuyến kích của chính phủ, các doanh nghiệp đã tăng khoản thưởng nhiều hơn, nhưng vẫn chưa tiến hành tăng mức lương cơ bản. Chính phủ Nhật Bản cũng kỳ vọng, cuối cùng các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện được điều này.
Những phát biểu của Sayuri Shirai đã gây tiếng vang lớn cho những hoài nghi đang ngày càng lan rộng trong bộ phận 9 thành viên Ban Thống đốc của BOJ, về khả năng quốc gia này có thể đạt được tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2% trong vòng 2 năm sau khi Abenomics được thực hiện hay không? Những bất đồng về quan điểm trong vấn đề này được nêu lên trong bản công bố kết quả cuộc họp gần đây nhất của BOJ, vào hôm thứ 3 vừa qua (26/11).
Đây là lần đầu tiên một sự bất đồng như vậy xuất hiện tại BOJ kể từ tháng 4/2013, khi Thủ tướng Shinzo Abe công bố mũi tên thứ hai trong bộ ba mũi tên Abenomics nhằm phục hưng nền kinh tế Nhật Bản sau thập kỷ chìm trong giảm phát và đình đốn. Cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, chủ yếu thông qua việc mua khối lượng lớn trái phiếu chính phủ của BOJ, hai mũi tên còn lại hướng đến nới lỏng tài khóa và tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tăng động lực tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Nhật Bản.
Minh bạch hơn
Những tranh cãi trên đây của BOJ gợi nhắc đến những điều tương tự cũng xảy ra tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong nỗ lực hành động nhằm tránh khỏi nguy cơ giảm phát hãy cũng giống như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nơi các thành viên thường có những bất đồng về tiến trình thi hành các biện pháp.
Tuy nhiên, từ chính những bất đồng đó, người ta thấy rằng BOJ đã thể hiện rõ sự cởi mở và minh bạch hơn trong những tranh luận hơn nhiều so với thời gian trước. "Kể từ khi Haruhiko Kuroda trở thành Thống đốc mới, BOJ đã trải qua một sự biến đổi gây ấn tượng mạnh mẽ", Kazuhiko Ogata, chuyên gia kinh tế trưởng của Crédit Agricole tại Nhật Bản nhấn mạnh.
Bất chấp sự đình trệ trong nỗ lực củng cố nền kinh tế suốt 15 năm qua, những người tiền nhiệm của Thống đốc Kuroda đã từ chối công khai về những chính sách nhằm chống lại giảm phát, cũng như những gì BOJ làm và bắt đầu tiến hành một chính sách dựa trên một mục tiêu lạm phát cụ thể.
Ông Ogata tiếp tục nhắc lại: "Sau khi nhậm chức Thống đốc BOJ, Haruhiko Kuroda và bộ máy mới do ông điều hành rõ ràng đã cho thấy điều ngược lại, bằng cách đặt ta một mục tiêu về tỷ lệ lạm phát 2%, trong thời gian sớm nhất có thể là trong vòng 2 năm sau".
Đó là cuộc cách mạng nhỏ mà BOJ đã làm được. Bằng cách công bố chiến lược của mình, BOJ đang tìm cách tác động trực tiếp đến dự báo của các nhà đầu tư.
Nhưng tiếp sau đó dĩ nhiên là sự đánh cuộc: nếu thị trường tuân theo đúng như những tuyên bố chính sách của chính phủ, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng trở lại và tương tự, quay trở lại khởi động đà tăng của giá cả. Cách BOJ đang làm cung tương tự như ECB hay Fed khi dùng truyền thông chính sách như một công cụ để dẫn dắt thị trường.
Nới lỏng tiền tệ thôi là chưa đủ
Trên thực tế, ông Kuroda cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức giống như các Ngân hàng Trung ương lớn khác trên thế giới. Trong đó có sự xói mòn trong hiệu quả của thứ vũ khí được xem là "quyền năng" nhất - lãi suất cơ bản, công cụ trực tiếp tác động lên nền kinh tế.
Sau khi hạ lãi suất xuống mức thấp nhất, BOJ đã phải tạo ra nhiều công cụ khác để cho phép chính sách có thể dẫn truyền đến nền kinh tế.
Tương tự như ở Mỹ, Fed cung cấp chương trình mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán thế chấp trị giá 85 tỷ USD hàng tháng. Tại châu Âu, ECB cung cấp tín dụng quy mô lớn cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn (LTRO). Hay tại Anh, BOE thi hành chương trình cấp các khoản vay cho hộ gia đình mua nhà ở, nhằm phục hồi giá bất động sản.