Thứ Sáu | 14/06/2013 12:11

Abenomics không thể giữ chân doanh nghiệp Nhật Bản

Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài bất chấp chính sách kích thích của chính phủ mới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa hẹn chính sách kinh tế Abenomics sẽ khôi phục sức mạnh ngành công nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, với Takumi Tanaka, giám đốc điều hành công ty sản xuất phụ kiện ô tô Uchida, tình hình ngày càng tồi tệ hơn kể từ sau thảm họa động đất 2011.

Công ty của ông đang phải đối phó với tình trạng chi phí sản xuất tăng sau khi yên giảm 18% trong vòng 9 tháng qua khiến chi phí nhập khẩu năng lượng và kim loại tăng. Đồng thời công ty của ông cũng đối mặt với sức ép từ phía khách hàng phải xây dựng nhà máy gần nhà máy của họ ở nước ngoài.

“Chúng tôi thấy rất ít lợi ích từ Abenomics. Thậm chí cả bây giờ, chúng tôi đang nhận được đề nghị xây nhà máy ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Có rất ít người cho rằng công nghiệp có thể neo lại Nhật Bản”, ông Tanaka trả lời phỏng vấn cho biết.

Công ty sản xuất nickel lớn nhất Nhật Bản, Sumitomo Metal Mining, đang cân nhắc một xưởng nung kim loại trị giá 30 tỷ yên ở nước ngoài từ nay đến năm 2012. Trong khi nhà sản xuất thép lớn thứ 2 Nhật Bản, JFE, cân nhắc xây một nhà máy thép ở Vietj Nam, nhà máy đầu tiên ở nước ngoài của JFE. Đây là một phần trong kế hoạch của JFE nhằm đưa sản xuất lại gần thị trường mà nhu cầu với xe hơi Nhật và các sản phẩm khác có xu hướng tăng. Sharp cũng dự kiến mở một nhà máy chuyên sản xuất máy giặt và tủ lạnh tại Indonesia vào cuối năm 2013.

Xu hướng trên sẽ còn tiếp diễn nếu yên vẫn giảm. Ảnh hưởng của yên mất giá thể hiện rõ nhất sau khoảng 12-18 tháng, giáo sư Takatoshi Ito tại đại học Tokyo, cựu thành viên hội đồng chính sách kinh tế và tài khóa chính phủ Nhật Bản nhận định.

Nhật Bản.

Yên giảm giá một mặt hỗ trợ các nhà xuất khẩu Nhật Bản, nhưng không đủ để thay đổi ảnh hưởng của nhiều thập kỷ kinh tế Nhật Bản giảm phát buộc các doanh nghiệp chuyển hướng hoạt động sang nước ngoài.

Thành công của Abenomics có thể phải dựa nhiều vào sức khỏe của kinh tế toàn cầu cũng như vào chương trình kích thích tài khóa tiền tệ Nhật Bản. Yên tăng trở lại 7% kể từ 28/5 khiến thủ tướng Abe chịu sức ép lớn hơn để tạo những kích thích lớn hơn nhằm ngăn tình trạng ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng sản xuất sang các thị trường phát triển nhanh hơn.

Chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase nhận định, tiền tệ không phải là vấn đề lớn nhất khiến các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nhà máy mới, họ đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng biến động tiền tệ đến lợi nhuận và họ nhận thấy rằng đưa sản phẩm lại gần thị trường tiêu thụ sẽ có lợi hơn.

Theo số liệu của Bộ thương mại Nhật Bản, doanh thu của doanh nghiệp Nhật Bản ở nước ngoài đã tăng gấp 3 trong giai đoạn từ 2002 đến 2012, trong khi nguồn nhân lực tăng gấp đôi lên khoảng 15 triệu người. Những doanh nghiệp này ước tính đã chuyển 33% hoạt động sản xuất ra nước ngoài tính đến tháng 3/2013, tăng so với 14% năm 1989, và có thể đạt 38% trong 3 năm tới.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện