AB InBev - Quái vật ngành bia
Năm 1989, Jorge Paulo Lemann và hai cộng sự mua Brahma - một công ty bia của Brazil với giá 50 triệu USD. Một thập kỷ sau, Brahma thâu tóm hãng bia đối thủ Antarctica, đổi tên thành AmBev. Năm 2004, công ty này sáp nhập với InterBrew - một nhà sản xuất bia của Bỉ, nổi tiếng với các thương hiệu Stella Artois và Beck’s - tạo ra InBev.
4 năm sau, InBev trả 52 tỷ USD để mua lại Anheuser-Busch của Mỹ. Vẫn chưa thỏa mãn, năm 2012, Anheuser-BuschInBev thâu tóm Grupo Modelo của Mexico với 20 tỷ USD, Economist cho biết.
Và giờ đây, công ty này đang đứng trước thương vụ táo bạo nhất của mình. Ngày 16/09 vừa qua, SABMiller, hãng bia lớn nhì thế giới, đã xác nhận công ty này đang rơi vào tầm ngắm của AB InBev. Nếu hai đại gia này kết hợp, công ty mới sẽ chiếm tới nửa lợi nhuận toàn ngành. Hôm nay, Sunday Times cũng tiết lộ AB InBev sẽ ra giá 106 tỷ USD cho đối thủ.
Thông báo này được đưa ra trong thời kỳ nhạy cảm với các hãng bia lớn. Hồi tháng 6, công ty tư vấn McKinsey nhận định ngành công nghiệp bia đang đứng trước thách thức lớn nhất 50 năm qua. Tiêu thụ tại những thị trường lớn luôn dậm chân tại chỗ. Tại Mỹ, lợi thế đang dần thuộc về các hãng bia thủ công, với lượng tiêu thụ năm ngoái tăng 18%, trong khi tổng doanh thu toàn ngành đứng yên. Tình hình ở một số thị trường khác thậm chí còn bi quan hơn. Tại Đức, nơi bia được xem là niềm tự hào quốc gia, tiêu thụ bia trên đầu người đã giảm một phần ba so với thập niên 70.
Vì vậy, việc các hãng bia và nhà đầu tư tìm đến các thương vụ hợp tác để giải quyết chuyện này là điều không gây ngạc nhiên. Năm ngoái, SABMiller từng cố gắng mua lại Heineken – hãng bia lớn thứ ba thế giới, nhưng bất thành. Tháng 6, còn có tin đồn rằng Lemann có ý định mua lại Diageo, hãng rượu lớn nhất thế giới, để kết hợp với AB InBev. Gần đây, các nhà phân tích còn dự đoán Diageo sẽ sáp nhập với SABMiller.
Một vài thương vụ sáp nhập như trên chắc chắn sẽ mang lại lợi ích. Nhưng việc AB InBev tham gia vào thương vụ lần này lại đặc biệt được quan tâm, khi công ty đang mất dần thị phần ở hai thị trường chủ đạo. Doanh thu ở Brazil sụt giảm do nền kinh tế yếu kém. Thị phần ở Mỹ năm 2014 chỉ còn 45%, giảm 5% so với năm 2009, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor. Vì vậy, mua lại SABMiller có vẻ là một quyết định đúng đắn, ít nhất là với ba lý do sau đây.
Thứ nhất, AB InBev đã có kinh nghiệm thâu tóm các đối thủ lớn trong quá khứ, theo nhà phân tích Trevor Stirling từ Sanford C. Bernstein. 3 năm sau khi mua lại Anheuser-Busch, biên lợi nhuận của hãng tại Mỹ tăng 13%.
Thứ hai, việc sáp nhập sẽ tăng cường độ phủ sóng toàn cầu của AB Inbev. SABMiller có tới một phần ba doanh thu đến từ châu Phi, trong khi doanh thu của AB InBev tại đây là không đáng kể. Sự kết hợp giữa hai công ty này sẽ tạo điều kiện cho AB InBev tiếp cận người tiêu dùng ở Colombia và Peru.
Thứ ba, có vẻ việc mua lại SABMiller cũng không quá tốn kém. Giá cổ phiếu hãng này đã giảm mạnh trong năm qua, do sự suy yếu của đồng rand Nam Phi và đồng peso Colombia. Tăng trưởng ì ạch ở một vài thị trường mới nổi cũng không làm tình hình khả quan lên. Nếu những nền kinh tế mới nổi này cứ phát triển theo đà, đầu tư vào SABMiller sẽ mang lại kết quả xứng đáng.
Theo luật Anh, để giành quyền kiểm soát SABMiller, AB Inbev sẽ phải đưa ra đề nghị chính thức trước ngày 14/10. Ban lãnh đạo SABMiller có thể sẽ từ chối và tìm đến một thương vụ khác nhằm tránh bị thâu tóm.
Tuy nhiên, nỗ lực sáp nhập của công ty này với Heineken đã hoàn toàn thất bại. Và người ta cũng không rõ liệu còn thương vụ nào béo bở hơn cho SABMiller hay không. "Nếu có, họ đã làm từ lâu rồi", ông Stirling khẳng định. Hai cổ đông lớn nhất của SABMiller là đại gia thuốc lá Altria và gia đình Santo Domingo. Nếu những điều khoản của AB InBev đủ thuyết phục, có thể những cổ đông này sẽ ủng hộ việc sáp nhập.
Một rào cản lớn khác là luật chống độc quyền. Tuy nhiên vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết. Ví dụ, AB InBev có thể bán đi số cổ phần SABMiller đang sở hữu trong vài công ty khác. Tương tự như khi mua lại Grupo Modelo, để trấn an các nhà quản lý Mỹ, AB InBev đã bán lại mảng kinh doanh tại Mỹ của Grupo Modelo với giá 4,75 tỷ USD.
Nguồn Vnexpress