8 cách đầu tư kiếm lợi từ tình trạng già hóa dân số của châu Á
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 62% dân số khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ ở độ tuổi từ 60 trở lên vào năm 2050. Các nghiên cứu khác từ nhiều trung tâm dự báo khác cũng cho biết độ tuổi trung bình của người dân châu Á sẽ là 40 vào năm 2050, so với 29 trong năm 2000.
Trong số các nước châu Á, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản, đang ngày càng già đi với tốc độ nhanh kỷ lục. Theo Liên Hợp Quốc, đến năm 2025, gần 30% dân số Nhật Bản sẽ có độ tuổi từ 60 trở lên. Trong khi đó, quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc, cũng sẽ có 250 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2025, tăng 35% so với năm 2009, số liệu chính phủ cho thấy.
Theo các nhà phân tích, châu Á - một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn câu trong vài thập kỷ qua - đang trải qua một sự thay đổi lớn về nhân khẩu học, và điều đó đem đến những thách thức, và cả cơ hội.
Trong bối cảnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm đang bùng nổ mạnh mẽ để tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong thị trường lao động, hãng CNBC cho rằng các nhà đầu tư có 8 cách để khai thác vào thị trường châu Á đang già đi.
1. Đầu tư vào các trung tâm sản xuất mới
Khi dân số già và chi phí lao động tại Trung Quốc tăng, chi phí sản xuất hàng hóa tại "công xưởng của thế giới" cũng trở nên đắt hơn. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng lương tối thiểu hàng năm khoảng 13%, từ nay cho tới năm 2015 nhằm thúc đẩu tiêu dùng, song điều đó đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất.
Tình trạng này khiến các nhà đầu tư chuyển dần sang các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam và Indonesia, những nước có lực lượng lao động trẻ hơn và rẻ hơn.
Trong thời gian qua, các quốc gia này đã có đủ khả năng để thu hút đầu tư vào sản xuất ngang bằng với Trung Quốc. Chẳng hạn, trong tháng 8, Foxconn - nhà cung cấp của Apple - công bố sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Indonesia nhằm khai thác nguồn lao động giá rẻ, thuộc hàng thấp nhất châu Á. Ước tính chi phí tiền lương của Indonesia chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc.
Trong khi đó, Việt Nam cũng nổi lên là một công xưởng mới thay thế cho Trung Quốc trong thập kỷ qua. Một số công ty lớn gần đây còn công bố kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam, như Nokia hay Bridgestone của Nhật Bản.
Cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore cho thấy hơn 20% số doanh nghiệp Mỹ đã lên kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á trong vòng 2 năm tới. Philippines và Malaysia là hai lựa chọn tốt nhất, tiếp sau đó là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.
2. Đầu tư sử dụng robot thay thế lao động con người
Theo các nhà kinh tế, nhu cầu sử dụng robot vào sản xuất đang tăng cao tại châu Á. Điển hình như Trung Quốc, ngày càng nhiều nhà máy tự động xuất hiện.
Các báo cáo cũng cho thấy khu vực công nghiệp của Trung Quốc bắt đầu chi tiêu nhiều hơn vào máy móc nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên toàn cầu. Từ các nhà máy sản xuất xe hơi cho đến các nhà sản xuất vi mạch, mô hình tự động hóa tại các nhà máy đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Theo dự báo, những công ty có được nhiều lợi thế nhất từ xu hướng này là các nhà sản xuất thiết bị cảm biến, sản xuất băng tải và hệ thống khí nén, tất cả những công ty này đều sử dụng robot vào dây chuyền sản xuất.
Theo thống kê, đầu tư vào sản xuất của Trung Quốc trong năm 2011 sẽ tăng tới 1,6 nghìn tỷ USD, tăng gần 32% so với năm 2010, trong đó các nhà máy sẽ mạnh tay chi tiêu cho việc hiện đại hóa và tự động hóa.
3. Đầu tư vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Do quy mô dân số già tăng lên nhanh chóng, lĩnh vực y tế của châu Á cũng không ngừng mở rộng để phục vụ cho những người cao tuổi. Bên cạnh đó, thu nhập tăng kèm theo sự mở rộng của tầng lớp trung lưu đang thúc đẩy nhu cầu phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng hơn trong khu vực.
Các nhà sản xuất thuốc, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và các nhà sản xuất thiết bị y tế là những doanh nghiệp chính sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thập kỷ tới.
Điển hình như Malysia IHH, công ty đã kiếm được 2,1 tỷ USD trong lần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong năm nay. Trong quý II, lợi nhuận của Malaysia IHH đã tăng gấp 5 lần lên 130 triệu USD. Trong những năm qua, công ty đã mở rộng nhanh chóng ra các nước như Malaysia, Singapore, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện công ty đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại Trung Quốc và Hong Kong.
Trong tháng 9, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư 63 tỷ USD cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, từ năm đến năm 2020. Bên cạnh đó, thị trường dành cho các thiết bị y tế cũng được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ.
4. Đầu tư vào thị trường bất động sản dành cho người cao tuổi
Mặc dù người cao tuổi châu Á có truyền thống ở với con cháu khi về già, song xu hướng lại đang thay đổi khi người già bắt đầu tìm tới những viện dưỡng lão. Đô thị hóa được coi là nguyên nhân chính bởi nó đã làm thay đổi mô hình gia đình truyền thống, đồng thời làm tăng chi phí thuê người phục vụ, khiến các gia đình gặp khó khăn trong việc chăm sóc cho người cao tuổi.
Theo các nhà phân tích nhu cầu đối với các viện dưỡng lão sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, đây vẫn còn là một thị trường chưa được khai phá trong khi dân số châu Á những thế hệ trước đang già đi nhanh chóng.
Một ví dụ điển hình là Australia. Trong thập kỷ qua, số lượng nhà dưỡng lão tại Australia đã tăng đột biến. Theo Hiệp hội làng hưu trí Australia, ở nước này hiện có 1.850 làng hưu trí, với khoảng 138.000 người. Những ngôi làng này không chỉ cung cấp chỗ ở và còn có các dịch vụ y tế khẩn cấp và phương tiện giải trí.
Không chỉ ở Australia, thị trường bất động sản dành cho người cao tuổi tại nhiều nơi khác của châu Á cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản.
5. Đầu tư du lịch dành cho người cao tuổi
Theo các nhà kinh tế, các công ty du lịch chuyên phục vụ người cao tuổi sẽ tăng trưởng mạnh khi những người châu Á về hưu bắt đầu hưởng thụ số tiền tiết kiệm hưu trí của mình.
Một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ du lịch người cao tuổi chính là Nhật Bản, với 1/4 dân số là người già trên 60 tuổi. Theo báo cáo từ Bộ Tư pháp, nửa đầu năm nay, thị trường du lịch quốc tế của đất nước đã phát triển mạnh mẽ với 8,9 triệu lượt khách, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc cũng là quốc gia có sự đột biến trong hoạt động du lịch của người cao tuổi. Trong năm 2011, trong số 70 triệu khách du lịch ra nước ngoài, người cao tuổi chiếm tới 20%, cơ quan điều hành dịch vụ du lịch quốc tế Trung Quốc cho biết.
Theo Cục Dịch vụ du lịch quốc tế Trung Quốc, người cao tuổi cũng được xếp vào danh mục những người tiêu nhiều tiền của đất nước. Trung bình mỗi chuyến đi, những người cao tuổi Trung Quốc chi tới 2.000 USD để mua sắm, không chỉ cho bản thân mà còn cho các con cháu của họ ở nhà.
6. Chú trọng vào sức mua sắm của người cao tuổi nữ
Hiện nay, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng ngày càng nhắm mục tiêu là các phụ nữ cao tuổi.
Theo công ty nghiên cứu Wealth-X, hơn 80% phụ nữ có tài sản trên 30 triệu USD tại châu Á có độ tuổi từ 40 trở lên, và 23% số phụ nữ này đã bước vào độ tuổi 60. Wealth-X cho biết những người phụ nữ này sẵn sàng chi tiêu để mua sắm những sản phẩm đắt tiền như xe sang, du thuyền hay các tác phẩm nghệ thuật.
Điều này cho thấy một cơ hội rất lớn cho các nhà tiếp thị các sản phẩm hàng hiệu tại châu Á.
7. Đầu tư vào ngành công nghiệp bảo hiểm
Tình trạng già hóa dân số của châu Á đang đem đến một cơ hội to lớn cho ngành công nghiệp bảo hiểm khi ngày càng nhiều người cao tuổi tìm kiếm tới các loại bảo hiểm và an sinh xã hội.
Hầu hết tại châu Á, các cơ sở chăm sóc sức khỏe công cộng không đáp ứng được tiêu chuẩn, trong khi các lợi ích hưu trí cũng khá yếu kém. Bên cạnh đó, châu Á cũng là khu vực có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, và đây thực sự là một thị trường béo bở đối với các công ty bán bảo hiểm y tế cũng như tư vấn kế hoạch thu nhập trước nghỉ hưu cho người cao tuổi.
8. Phát triển các sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi
Các công ty công nghệ hiện đang có xu hướng phát triển riêng một thị trường sản phẩm và dịch vụ công nghệ dành cho người cao tuổi.
Các công ty công nghệ lớn nhất đang chạy đua sáng tạo các sản phẩm giúp tiện ích hơn cho người cao tuổi trong sinh hoạt thường nhật, từ các loại điện thoại dễ sử dụng cho đến các hình thức mua sắm trực tuyến.
Một trong những quốc gia đi đầu về phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cho người già chính là Nhật Bản. Mới đây nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây lớn nhất thế giới NTT DoCoMo của Nhật Bản đã phát minh một loại điện thoại thông minh dành riêng cho người già. Chiếc điện thoại này có phông chữ lớn hơn cùng các biểu tượng đơn giản, giúp người già có thể sử dụng các chức năng như gửi email và chụp ảnh.
Các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng cung cấp một loạt các dịch vụ trực tuyến cho người cao tuổi, điển hình như Rakuten. Hãng thương mại điện tử lớn nhất Nhật Bản đã thành lập một trang web mua sắm trực tuyến cho người cao tuổi, trong khi một công ty tiện ích khác là 7-Eleven cũng phát triển dịch vụ giao hãng miễn phí dành riêng cho các khách hàng cao niên.
Theo báo cáo, người cao tuổi chiếm tới 35% lượng khách hàng trong ngành công nghiệp tiện ích Nhật Bản trong năm 2011.
Nguồn CNBC/Khampha