Shell
78% các công ty của Anh chênh lệch thu nhập theo giới
Tất cả những công ty, tổ chức tư nhân và nhà nước của Anh có 250 nhân viên trở lên sẽ phải công khai về thu nhập.
Theo báo cáo, 78% các công ty và cơ quan nhà nước của Anh trả cho đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Trung bình, đàn ông có thu nhập cao hơn 18% so với phụ nữ. Các số liệu cụ thể trong các lĩnh vực như sau:
Trong chính phủ, Bộ Giao thông Anh có tỷ lệ chênh lệch lương cao nhất. Nam giới được trả lương cao hơn nữ giới 22,6%. Ở các cơ quan chính quyền địa phương, tỷ lệ chênh lệch lương cao nhất là tại Hội đồng thành phố North Hertfordshire, 34%. Trong lĩnh vực giáo dục, tất cả các trường đại học tại Anh đều trả lương cho nam giới cao hơn và tỷ lệ chênh lệch cao nhất là ở Harper Adams, 37,4%. Ở các báo, tờ Telegraph tỷ lệ chênh lương cao nhất với 23,4%.
Giới chức Anh tin rằng, việc buộc tất cả các công ty, tổ chức, cơ quan phải công khai dữ liệu lương nhân viên sẽ khiến nâng cao nhận thức về vấn đề bất bình đẳng thu nhập.
Theo báo cáo do Tổ chức Lao động Quốc tế, tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm còn khá lớn, thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn nhiều so với nam giới.
Báo cáo Triển vọng Xã hội và việc làm của thế giới trong năm 2018 cho thấy trên phạm vi toàn cầu, thu nhập trung bình của phụ nữ thấp hơn nam giới tới 23%.
Riêng tại khu vực châu Á, phụ nữ chỉ kiếm được bằng khoảng 70-90% so với nam giới. Một trong những nguyên nhân lý giải thực tế này là do phụ nữ chủ yếu đảm nhận những công việc được trả lương thấp nhất và chủ yếu làm việc trong những khu vực không chính thức.
Tại Liên minh châu Âu, mức chênh lệch trong thu nhập giữa nam và nữ là khoảng 16%. Cụ thể, nếu nam giới kiếm được 1 Euro trong một giờ làm việc thì con số này ở nữ giới chỉ được trung bình là 84 Cent.
Tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập giữa hai giới tại Mỹ thậm chí còn cao hơn châu Âu, với lao động nữ được trả lương thấp hơn lao động nam tới 20%.
Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng kêu gọi các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong việc trả lương. Các nước cần xem đây như là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm hướng đến một thế giới không còn bất công.
Tại Pháp, để thể hiện sự ủng hộ với các phong trào bảo vệ nữ quyền, Thủ tướng nước này đang thúc đẩy việc thông qua một gói cải cách xã hội, trong đó đề nghị giám sát và phạt nặng các công ty trả lương không thỏa đáng cho nhân viên nữ.