6 triệu bệnh nhân Iran không có thuốc vì các lệnh trừng phạt
Theo bà Hashemi, lệnh trừng phạt đã gây khó khăn cho quá trình chuyển tiền cũng như giao dịch của các ngân hàng, khiến giá thuốc và các thiết bị y tế tăng vọt. Ở nhiều bệnh viện và trạm y tế của Iran, tình trạng thiếu thuốc điều trị là khá phổ biến, mặc dù các lệnh trừng phạt hoàn toàn không bao gồm việc cấm mua bán thuốc của Iran.
"Rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư không có thuốc điều trị", bà Hashemi cho biết.
Những bình luận mà bà Hashemi đưa ra cũng là lần đầu tiên một quan chức chính quyền Iran thừa nhận các lệnh trừng phạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động y tế công cộng của đất nước.
Rất ít phương tiện truyền thông của Iran đề cập tới mối liên hệ giữa các lệnh trừng phạt và tình hình sức khỏe của người dân, song cũng nhiều lần nhấn mạnh giá thuốc dành cho các bệnh nhân ở Iran đã tăng vọt trong 2 năm qua.
Ước tính, giá sản xuất thuốc trong nước của Iran đã tăng từ 15 đến 20% trong 3 tháng qua, trong khi giá nhập khẩu thuốc tăng từ 20 đến 80%, một quan chức y tế Iran cho biết trong buổi trả lời phỏng vấn đài ISNA.
"Trong tương lai gần, Iran có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thuốc nếu các quan chức không tìm cách cải thiện tình hình sản xuất và nhập khẩu thuốc", vị quan chức này cho biết.
Cũng theo các phương tiện truyền thông Iran, hiện có khoảng 6 triệu bệnh nhân trên toàn đất nước rơi vào cảnh không có thuốc điều trị.
Trong tháng 8, bà Hashemi đã gửi thử lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, trong đó kêu gọi các nước phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chính trị nhằm cứu giúp các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở Iran.
Nguồn AFP/Khampha