Thứ Sáu | 28/12/2012 14:38

6 mốc đánh dấu sự sống còn của euro trong 2012

Hy Lạp hoàn thành hoán đổi nợ, Đức ủng hộ ESM, thành lập cơ quan giám sát ngân hàng... là những sự kiện nổi bật của eurozone trong năm 2012.
Ngày 9/3: Hy Lạp hoàn thành hoán đổi nợ lớn nhất trong lịch sử

Hy Lạp hoàn thành hoán đổi nợ.
Hy Lạp hoàn thành hoán đổi nợ.

Sau một loạt nỗ lực của Hy Lạp, 85,5% chủ nợ trái phiếu thuộc khu vực tư nhân, trong đó có các ngân hàng lớn đã nhất trí tái cơ cấu nợ cho nước này. Khoảng 55 tỷ euro (205 USD) trong 177 tỷ euro trái phiếu theo luật Hy Lạp đã được chào bán.

Theo đó, cứ mỗi 100 euro trái phiếu Hy Lạp, chủ nợ sẽ được nhận 15 euro trái phiếu ngắn hạn chất lượng cao do quỹ giải cứu tài chính của eurozone phát hành, cộng thêm 31,5 euro trái phiếu Hy Lạp có kỳ hạn 11-30 năm.

Ngày 12/9: Tòa án Đức ủng hộ quỹ cứu trợ thường trực eurozone ESM

Tòa án Đức ủng hộ quỹ ESM.
Tòa án Đức ủng hộ quỹ ESM.

Bác bỏ yêu cầu đóng cửa ESM của 37.000 nguyên đơn, tòa án hiến pháp Đức ngày 12/9 phê chuẩn ủng hộ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và hiệp ước tài chính mới của Liên minh châu Âu (EU) với điều kiện nghĩa vụ của Đức chỉ giới hạn trong 190 tỷ euro (244 tỷ USD).

ESM được thiết lập để thay thế tạm thời Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) hết hiệu lực vào ngày 1/7. Quyết định của toà án Đức giúp eurozone xóa đi trở ngại quan trọng hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.

ESM bắt đầu hoạt động vào ngày 8/10 sau khi được tất cả 17 quốc gia thành viên eurozone phê duyệt. ESM được coi là bức “tường lửa tài chính” trị giá 500 tỷ euro, tức là các lãnh đạo châu Âu có thể dùng tiền từ quỹ này để mua trái phiếu các chính phủ nhằm kiềm chế khủng hoảng nợ khu vực.

Ngày 17/6: Hy Lạp tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần thứ 2

Đảng Dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của Antonis Samaras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần 2.
Đảng Dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của Antonis Samaras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần 2.

Kết quả sơ bộ công bố vào tối ngày 17/6 cho thấy đảng Dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của Antonis Samaras và đảng xã hội Pasok - hai đảng ủng hộ gói cứu trợ lớn nhất của Hy Lạp đã giành chiến thắng.

Kết quả này đã giúp xoa dịu nỗi lo sợ bao trùm thế giới trong suốt những ngày này trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng lan rộng và Hy Lạp có nguy cơ phải rời eurozone.

Ngày 29/6: Eurozone cam kết thành lập cơ quan giám sát ngân hàng

Eurozone cam kết thành lập cơ quan giám sát ngân hàng.
Eurozone cam kết thành lập cơ quan giám sát ngân hàng.

Sau 2 ngày làm việc trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã cam kết thành lập cơ quan giám sát ngân hàng trung ương nhằm theo dõi các hoạt động của các ngân hàng trong eurozone, như một bước tiến tới Liên minh ngân hàng châu Âu.

Tiếp đó, đến ngày 13/12, các bộ trưởng tài chính EU đã đạt được thỏa thuận lập ra cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất có quyền đóng cửa các tổ chức cho vay trên toàn eurozone. Tuy nhiên, giữa Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất EU vẫn còn tồn tại một số bất đồng. Trong khi Pháp muốn để Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thực hiện việc giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng thuộc eurozone, thì Đức lại muốn ECB chỉ giám sát khoảng 20-25 ngân hàng lớn nhất trong khu vực.

Ngày 9/10: Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Hy Lạp

Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tại Athens.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras tại Athens.

Ngày 9/10, trong bối cảnh chỉ còn 10 ngày nữa để Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ, thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện chuyến thăm chớp nhoáng tới Athens. Đây là thông điệp hậu thuẫn rõ ràng nhất đối với quốc gia đang ngấp nghé bờ vực phá sản này.

Chuyến thăm hiếm hoi tới Hy Lạp của thủ tướng Đức kể từ khi khủng hoảng nợ công châu Âu xảy ra cách đây gần 3 năm được giới phân tích cho là hành động thiết thực nhất nhằm bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực cải cách tài chính của chính phủ của thủ tướng Antonis Samaras, từ đó góp phần củng cố niềm tin của các nhà đầu tư đối với Athens.

Theo giới phân tích, chuyến thăm Hy Lạp lần này của thủ tướng Merkel sẽ giúp Athens nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro từ các nhà cho vay quốc tế là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng 11.

Ngày 27/6: Chủ tịch ECB cam kết bảo vệ eurozone

Chủ tịch ECB Mario Draghi
Chủ tịch ECB Mario Draghi

Chủ tịch ECB Mario Draghi đã phát biểu trước một hội nghị đầu tư ở London (Anh) rằng: "Các định chế tài chính quan trọng của châu Âu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để bảo vệ đồng tiền chung". Phát biểu của ông Draghi hàm ý ECB có thể mua lại trái phiếu của Tây Ban Nha và Italia nhằm giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện