Thứ Năm | 13/08/2015 11:26

6 điều cần biết nếu muốn hiểu nhân dân tệ

Khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc khiến giới đầu tư toàn cầu lo lắng, bạn có thể đang tự hỏi thị trường nhân dân tệ hoạt động thế nào.

Dưới đây là những điều cơ bản nên biết về đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

1. Nhân dân tệ là gì?

Renminbi (nhân dân tệ) - nghĩa là đồng tiền của nhân dân và viết tắt là RMB - là tên chính thức sử dụng trong tỷ giá hối đoái của Trung Quốc, trong khi yuan (nhân dân tệ) là đơn vị người dân sử dụng trong giao dịch hàng ngày.

2. Neo tỷ giá là gì?

Thuật ngữ “neo” (peg) là cơ chế cố định tỷ giá hối đoái. Nhân dân tệ được cố định ở 8,3 nhân dân tệ đổi 1 USD cho đến tận năm 2005 khi ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hủy bỏ cơ chế này và cho phép nhân dân tệ diễn biến trong tầm kiểm soát được gọi là crawling peg (cố định có điều chỉnh dần).

Trung Quốc tái neo tỷ giá nhân dân tệ với USD trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 nhằm duy trì sự ổn định. Sau đó, lại nới lỏng vào năm 2010.

3. Tỷ giá tham chiếu là gì?

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố tỷ giá chính thức vào buổi sáng trong một quy trình được biết đến là định giá hoặc tỷ giá tham chiếu. Bằng việc bán ra và mua vào USD trên thị trường mở, PBOC đảm bảo giao dịch nhân dân tệ dao động trong phạm vi +/- 2% so với tỷ giá chính thức.

4. Tại sao có tỷ giá nội địa và tỷ giá nước ngoài?

Các nhà hoạch định chính sách đã từng thắt chặt kiểm soát luồng vốn, cho phép nhân dân tệ chủ yếu giao dịch trên thị trường nội địa - có thể tác động đến tỷ giá hối đoái. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc bắt đầu giao dịch nhân dân tệ tại Hong Kong - tỷ giá hối đoái được xác định bằng cung cầu - nhằm xúc tiến đưa nhân dân tệ trửo thành đồng tiền toàn cầu. Mục đích chính là hợp nhất 2 thị trường này khi nhân dân tệ trở thành đồng tiền được giao dịch hoàn toàn tự do.

Tại thị trường nước ngoài, nhân dân tệ - viết tắt là CNH - có thể giao dịch tự do, mặc dù có xu hướng bám sát tỷ giá nội địa - nhân dân tệ được viết tắt là CNY. Hôm thứ Tư 12/8, CNH giao dịch thấp hơn 2,6% so với CNY, khoảng cách lớn nhất kể từ khi thị trường nước ngoài được khởi động 5 năm trước, cho thấy, giới thương nhân nước ngoài dự đoán Trung Quốc tiếp tục phá giá nhân dân tệ.

5. Giao dịch ngoại hối kỳ hạn không chuyển giao gốc là gì?

Ngoài ra còn có thị trường giao dịch ngoại hối kỳ hạn không chuyển giao gốc (non-deliverable forward - NDF). Đây là thỏa thuận trong đó nhà đầu tư có thể đặt cược hoặc phòng hộ trước sự biến động của đồng tiền. Trước khi khởi động thị trường nước ngoài, các hợp đồng kỳ hạn là công cụ chính của giới đầu tư nước ngoài để đặt cược vào nhân dân tệ khi các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc giới hạn giao dịch tiền tệ.

Trong giao dịch NDF, các bên nhất trí mua hoặc bán nhân dân tệ với tỷ giá định trước trong tương lai. Khi đáo hạn, lãi hoặc lỗ được định rõ bằng cách tính toán sự chênh lệch giữa tỷ giá NDF đã được đồng ý và tỷ giá thị trường vào thời điểm đó. Do các hợp đồng NDF thường được tính bằng USD, nên nó cho phép giới đầu tư đặt cược vào nhân dân tệ mà không cần chuyển đổi đồng tiền.

NDF thường có thời hạn từ 1 tháng đến 1 năm, và thường được báo giá bằng USD. Loại hợp đồng này đã trở thành công cụ phổ biến đối với các công ty tìm kiếm sự bảo đảm chống lại rủi ro của các loại tiền nước ngoài không được giao dịch trên thị trường quốc tế.

6. Đã có những thay đổi gì?

Hôm thứ Ba 11/8, PBOC đã khiến giới đầu tư toàn cầubị sốc khi phá giá nhân dân tệ 1,9%, khiến nhân dân tệ giảm mạnh nhất kể từ 1994. Các nhà hoạch định chính sách cho biết, họ đang thay đổi cách thức trong quá trình cố định tỷ giá nhằm cho phép thị trường linh hoạt hơn trong việc xác định tỷ giá.

Tuy động thái phá giá nhân dân tệ của PBOC cho thấy một bước tiến trong việc đưa đồng tiền này được giao dịch tự do, song nó cũng dấy lên lo ngại chính phủ Trung Quốc đang cố giảm giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, gây ra cuộc đua phá giá tiền tệ trên toàn thế giới.

Hiện vẫn chưa rõ việc phá giá nhân dân tệ có tiếp tục hay không, nhưng cơ chế quản lý đã thay đổi từ một đồng tiền ổn định sang đồng biến biến động mạnh hơn - kết quả tự nhiên của tỷ giá hối đoái xác định theo thị trường.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg