5 yếu tố khiến kinh tế Trung Quốc tiếp tục chìm sâu hơn
Nguồn vốn tại Trung Quốc
Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) giảm kỷ lục 108 tỷ USD trong tháng 12/2015 xuống thấp nhất gần 3 năm, khiến giới đầu tư vô cùng lo ngại vì điều đó đồng nghĩa rằng dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc ngày càng tăng, gia tăng áp lực lên nhân dân tệ (NDT) và buộc PBOC phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ nội tệ.
Goldman Sachs nhận định rằng khả năng dòng vốn tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc là rất lớn, nhất là khi đà mất giá của NDT còn tiếp tục. Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ rất nhanh kể từ tháng 8/2015 khi giới đầu tư vô cùng ngạc nhiên trước việc PBOC phá giá NDT.
Mark Williams, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết, nỗi sợ NDT suy yếu, cảm giác bất ổn về kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã góp phần đẩy nhanh tốc độ rút vốn khỏi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Giới chuyên gia dự đoán PBOC sẽ ưu tiên việc chặn dòng vốn chảy ra bằng mọi cách trong thời gian tới.
Hạn chế hoạt động bán ra của cổ đông lớn
Lệnh cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu, ban hành hồi tháng 7/2015, được cho là sẽ gỡ bỏ vào thứ Sáu 8/1. Tuy nhiên, trước những biến động gần đây của thị trường, giới chức Trung Quốc đã tuyên bố các cổ đông lớn - nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên - sẽ chỉ được bán ra tối đa 1% tổng số cổ phiếu nắm giữ trong vòng 3 tháng. Việc gia hạn lệnh cấm được giới quan sát thị trường đánh giá là tích cực trong ngắn hạn vì nó giúp giảm khả năng các nhà đầu tư lớn tháo chạy khỏi thị trường này.
Nhưng trong dài hạn, các nhà phân tính cho rằng đây là dấu hiệu tiêu cực vì nó cho thấy chính phủ Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào thị trường. Trung Quốc đã bị chỉ trích do không ngừng can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp hạn chế bán tháo cổ phiếu, đặc biệt khi thị trường suy thoái vào mùa hè năm trước.
Trong báo cáo hôm 6/1, ngân hàng đầu tư NSBO nhận định, việc một lượng lớn cổ phiếu đang chờ bán trên thị trường và các biện pháp hạn chế của chính phủ được duy trì sẽ khiến tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu suy giảm mạnh hơn.
Hệ thống tự ngắt giao dịch: Áp dụng và tạm dừng
Cái được gọi là cơ chế tự ngắt giao dịch - được thiết kế nhằm ngăn chặn đà rơi tự do của thị trường chứng khoán - được Trung Quốc áp dụng lần đầu tiên hôm thứ Hai 4/1. Ngay lập tức cơ chế này được thử nghiệm và ngày trong tuần đầu năm 2016, cơ chế này đã kích hoạt 2 lần. Thực tế, một số nhà đầu tư cho rằng cơ chế này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng bán tháo.
Hôm 7/1, các nhà quản lý Trung Quốc đã quyết định tạm dừng cơ chế này. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho rằng động thái này là nhằm duy trì sự ổn định của thị trường. Giới chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ điều chỉnh cơ chế tự ngắt trước khi áp dụng trở lại.
Công ty Teneo Intelligence dự đoán rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tiếp tục phương pháp "thử và sai" để lấy tín hiệu từ thị trường trong ngắn hạn.
Lo ngại giảm phát
Bên cạnh Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với lạm phát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015 của Trung Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) lại giảm gần 6%, đánh dấu 45 tháng giảm liên tiếp của chỉ số này, một phần do sự sụt giảm của các hoạt động sản xuất và nhu cầu ảm đạm.
Duncan Wrigley, nghiên cứu về chính sách vĩ mô của Trung Quốc tại NSBO, nhận định, giá thành sản phẩm giảm và lợi nhuận thu hẹp khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ và tái đầu tư.
Tuy vậy vẫn có một số người tỏ ra lạc quan như Capital Economics khi cho rằng số liệu lạm phát công bố vào ngày cuối tuần được dự báo sẽ xoa dịu lo ngại rằng kinh tế Trung Quốc và thị trường tài chính đang sụp đổ.
Rắc rối tiền tệ
PBOC đã hạ tỷ giá NDT trong 7 phiên liên tiếp, gia tăng lo ngại của các giới đầu tư rằng PBOC sẽ tiếp tục đẩy tỷ giá xuống thấp hơn nữa. Sự thiếu minh bạch trong cách Trung Quốc áp dụng chính sách với NDT đang bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế nước này.
Năm 2015, NDT giảm 5% so với USD và trong tuần đầu năm 2016, NDT đã giảm 1%. Giới đầu tư dự đoán NDT sẽ giảm hơn nữa trong năm nay, nhưng không nhanh và mạnh như trong tuần đầu năm.
Trong báo cáo hôm 7/1, các nhà phân tích của UBS dự báo, NDT sẽ tiếp tục mất giá 4-5% so với USD trong năm 2016. Bên cạnh đó, một nhà chiến lược tiền tệ của Macquarie Group lại cho rằng tỷ giá NDT/USD sẽ giảm 8% trong năm 2016.
NDT suy yếu là tín hiệu không tốt cho các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu làm ăn với các công ty Trung Quốc khi khiến kéo giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của họ.
Nhật Trường
Nguồn CNBC