Thứ Hai | 01/10/2012 09:59

5 nhân tố mới đe dọa sự tồn tại của eurozone

Tây Ban Nha, Hy Lạp, Italia, những người bảo thủ và tăng trưởng chính là những nhân tố sẽ quyết định tương lai của đồng euro trong thời gian tới.
Tây Ban Nha

a

Đã nhiều tháng qua, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải chật vật bảo vệ lòng tự hào dân tộc khi cố gắng lảng tránh việc yêu cầu cứu trợ toàn diện từ các nước còn lại ở châu Âu. 

Ngay sau khi kết quả kiểm toán hôm thứ 6 (28/9) được công bố với lỗ hổng 60 tỷ USD của hệ thống ngân hàng, ngày 29/9, Bộ Ngân sách Tây Ban Nha công bố nước này dự định sẽ vay 207,2 tỷ euro từ quỹ giải cứu tài chính của EU sau khi gặp khó khăn trong việc vay vốn trên thị trường tài chính.

Đây là chỉ báo cho thấy Tây Ban Nha sẽ xin cứu trợ toàn diện trong thời gian tới, đặc biệt là khi chi phí đi vay đã tăng lên trên 6%. Trong những ngày tới, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s sẽ công bố xếp hạng nợ của Tây Ban Nha. Khi đó, động thái hạ bậc sẽ khiến chi phí đi vay của nước này lên đến ngưỡng nguy hiểm.

Không chỉ có vậy, giới quan sát còn nhận định gói cắt giảm ngân sách vừa được công bố chính là “thuốc thử” cho các gói thắt lưng buộc bụng mà các chủ nợ có thể sẽ áp dụng đối với Tây Ban Nha.

Một gói cứu trợ sẽ cho phép chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi triển khai chương trình “giao dịch tiền tệ mua đứt bán đoạn” và mua không giới hạn trái phiếu Tây Ban Nha. Tuy nhiên, nhóm tam hùng gồm EC, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là những trở ngại lớn về chính trị đối với ông Rajoy. Trong khi đó, 1 số địa phương ở Tây Ban Nha đang đòi li khai và  tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% gây nên nhiều bất ổn xã hội.

Kể cả khi ông Rajoy có thể nhận được gói cứu trợ toàn diện, nếu như Tây Ban Nha không thể đoàn kết và xây dựng lại hệ thống ngân hàng, con đường trở lại với sự thịnh vượng sẽ là 1 con đường rất dài và đầy chông gai.

Hy Lạp

a

Đã có lời đồn đại cho rằng các chính trị gia châu Âu đã thề sẽ không đẩy Hy Lạp ra khỏi eurozone cho đến khi Barack Obama giữ được ghế tổng thống sau cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, 1 số chuyên gia phân tích nhận định tương lai của Hy Lạp vẫn là thành viên của khối đồng tiền chung.

Sau mùa hè kéo dài với những cuộc thương lượng, chính phủ liên minh dưới sự dẫn dắt của Antonis Samaras đã đạt được thỏa thuận về 1 gói thắt lưng buộc bụng mới với hi vọng có thể đáp ứng được yêu cầu của nhóm tam hùng.

Tuy nhiên, nền kinh tế Hy Lạp vẫn chìm sâu trong lạm phát và có vẻ như họ sẽ tiếp tục bỏ lỡ những mục tiêu mà các chủ nợ quốc tế đưa ra, kể cả khi gói cứu trợ tiếp theo trị giá 31 tỷ euro được giải ngân.

Trên thực tế, châu Âu có thể quyết định đẩy Hy Lạp khỏi eurozone nếu như họ tin rằng đã xây dựng được bức tường lửa chắc chắn có thể ngăn chặn chuỗi hiệu ứng tiêu cực mà sự kiện này gây nên.

Và, Hy Lạp cũng có thể tự mình quyết định ra đi nếu như các áp lực về chính trị trong nội bộ nước này quá lớn. Cuộc biểu tình của người dân chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng đã trở thành cơn bạo loạn.

Những người bảo thủ

s

Trong tuần vừa qua, một trong những điều đáng báo động nhất trên thị trường tài chính châu Âu chính là kết quả hội nghị Helsinki, thể hiện các nước hùng mạnh nhất ở eurozone đã quyết định “sẽ chơi bóng chày”. Các bộ trưởng tài chính Hà Lan, Đức và Phần Lan – 3 nước hùng mạnh nhất eurozone và cũng là 3 nước bảo thủ nhất – đã công nhận quỹ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sẽ được phép bơm tiền trực tiếp vào hệ thống ngân hàng yếu kém.

Đây là động thái tích cực có thể phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn khi gói cứu trợ dành cho các ngân hàng khiến trái phiếu chính phủ giảm giá trong khi đây lại là nguồn vốn chính tài trợ cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, sau cuộc họp tại Helsinki, các điều kiện đã được đưa ra. Trước khi ESM có thể cứu trợ các ngân hàng, họ yêu cầu liên minh ngân hàng phải được lập ra và tỏ ra hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quá khó khăn. Quan trọng hơn nữa, 3 nước này cũng yêu cầu tất cả các khoản nợ từ thời khủng hoảng tín dụng phải thuộc về trách nhiệm của từng quốc gia.

Ngay lập tức, dường như các điều kiện này đã xóa tan hy vọng nhận cứu trợ mà không cần đến nhóm tam hùng của Ireland cũng như của Tây Ban Nha. 1 lần nữa, thông báo này cho thấy trong khủng hoảng eurozone, phần nguy hiểm nhất chính là các điều kiện chi tiết.

Italia

a

Trong khi Tây Ban Nha đang trở thành tâm điểm của thị trường, có vẻ như thời khắc nguy hiểm nhất của Italia đã qua đi, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sau cuộc biểu tình của 30.000 người hôm thứ 6 vừa qua, sự ủng hộ về mặt chính trị đối với nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu đang ngày càng trở nên mong manh.

Sau 1 năm lún sâu vào suy thoái, Italia vẫn đang chật vật để đạt được các mục tiêu ngân sách. Sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Mario Monti cũng dần phai nhạt.

Khi chủ tịch ECB Mario Draghi thông báo mua không giới hạn trái phiếu, thị trường hy vọng rằng Italia sẽ theo sau Tây Ban Nha và yêu cầu trợ giúp từ EU để có thể hưởng lợi từ chính sách này và giảm bớt chi phí đi vay. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng xảy ra. Rất có thể Tây Ban Nha sẽ sử dụng hết số tiền cứu trợ của các quỹ và số tiền còn lại dành cho Italia là không đủ.

Một khi gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha được triển khai (có nhiều khả năng điều này sắp xảy ra), sự chú ý sẽ chuyển hướng sang Italia. Nước này sắp bước vào bầu cử và cựu Thủ tướng Berlusconi cùng các đồng minh đang lên tiếng phản đối đồng euro.  Thậm chí, cuối tuần trước, ông Berlusconi  còn gọi đồng euro là “trò lừa đảo quy mô lớn”  đồng thời cho rằng Italia đã hi sinh quá nhiều và đã đến lúc phải dừng lại.

Tăng trưởng

a

Có thể, trong tương lai, tất cả những điều mong đợi bấy lâu nay được thực hiện – gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, Hy Lạp tiếp tục được giải cứu và chương trình mua trái phiếu của Mario Draghi được triển khai. Tuy nhiên, liệu các nền kinh tế eurozone có thể cùng nhau tăng trưởng hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Theo số liệu dự báo của cơ quan thống kê Eurostat, nền kinh tế eurozone sẽ chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2012 và 1% trong năm tới. Tuy nhiên, eurozone sẽ bị chia rẽ sâu sắc: trong khi Đức tiếp tục tăng trưởng, hầu hết các nước còn lại ngập chìm trong suy thoái và không thể cạnh tranh được với các nền kinh tế khỏe mạnh ở Bắc Âu.

Trong khi các chính trị gia châu Âu có thể đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp trong ngắn hạn, các cử tri Đức và nhiều nền kinh tế cốt lõi của khối đồng tiền chung không tỏ ra sẵn sàng cứu trợ. Hơn nữa, người dân của các nền kinh tế yếu ớt (Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italia) ngày càng mất kiên nhẫn bởi các gói thắt lưng buộc bụng không thể giúp cải thiện cuộc sống của họ.

Nguồn CafeF


Sự kiện