Thứ Sáu | 10/08/2012 14:56

5 nền kinh tế tệ nhất thế giới

Đánh giá 5 nền kinh tế tệ nhất thế giới dựa trên các thước đo: tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, lạm phát, thất nghiệp, và nợ công.
Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới ở thời điểm hiện tại đều ít nhiều gặp khó khăn. Tuy nhiên, dựa trên 5 thước đo từ số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), trang CNNMoney đã đưa ra một danh sách gồm 5 nền kinh tế tệ nhất thế giới.

Sudan - nước có tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất

Theo dự báo của IMF, GDP của Sudan sẽ suy giảm 7,3% trong năm 2012 này.
Theo dự báo của IMF, GDP của Sudan sẽ suy giảm 7,3% trong năm 2012 này.

Nằm ở khu vực Bắc Phi, Sudan đã trải qua hàng thập kỷ nội chiến và xung đột xã hội - một chu kỳ cản trở mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế này. Vào tháng 7/2011, Nam Sudan, một khu vực nhiều tài nguyên dầu lửa, đã ly khai thành một quốc gia riêng. Việc tách riêng Nam Sudan lấy đi 70% trữ lượng dầu lửa của quốc gia hợp nhất ban đầu.

Mất dầu lửa, nền kinh tế Sudan được IMF dự báo sẽ suy giảm 7,3% trong năm 2012. Mức dự báo tăng trưởng này thấp hơn dự báo tăng trưởng dành cho bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, thậm chí cả Hy Lạp. IMF cho rằng, nền kinh tế đang vật lộn với khủng hoảng nợ công Hy Lạp sẽ suy giảm 4,5% trong năm nay.

Congo - nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất

Theo dự báo của IMF, GDP đầu người của Congo trong năm 2012 này sẽ là 231,51 USD.
Theo dự báo của IMF, GDP đầu người của Congo trong năm 2012 này sẽ là 231,51 USD.

Là một quốc gia rất giàu tài nguyên nhưng Cộng hòa Congo lại phải đối mặt với tình trạng bạo lực, đói nghèo, tình trạng tham nhũng có hệ thống suốt từ khi nước này giành độc lập từ Bỉ vào năm 1960.

Nền kinh tế Congo đang tăng trưởng khá nhanh chóng, với tốc độ 6-7% mỗi năm, trong tiến trình phục hồi sau nhiều năm xung đội nội bộ xung quanh các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của đất nước, bao gồm quặng kẽm và kim cương. Tuy nhiên, tổng GDP của nước này vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 25 tỷ USD.

Với dân số vượt 73 triệu người, thật dễ hiểu khi Congo chiếm vị trí chót bảng trong xếp hạng các quốc gia của IMF trên phương diện thu nhập bình quân đầu người. IMF dự báo, GDP/đầu người của Congo năm nay chỉ đạt hơn 231 USD.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động kinh tế của Congo diễn ra ở khu vực không chính thức và không được đưa vào GDP chính thức.
Belarus - nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới

IMF dự báo, tỷ lệ lạm phát năm nay của Belarus là 65,9%.
IMF dự báo, tỷ lệ lạm phát năm nay của Belarus là 65,9%.

Belarus, quốc gia dưới sự lãnh đạo của tổng thống Alexander Lukashenko từ năm 1994, thường được gọi là quốc gia nằm dưới chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu. Lạm phát cũng là một vấn đề lớn của nước này.

Theo IMF, lạm phát ở Belarus sẽ lên mức 65,9% trong năm nay. Con số này thậm chí đã giảm nhiều so với năm 2011, khi cuộc khủng hoảng tài chính đẩy lạm phát ở nước này lên mức 109%.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Belarus một phần xuất phát từ việc Cchính phủ tăng lương để tăng tỷ lệ ủng hộ của dân chúng. Chiến thuật này đã đem tới "thảm họa" trong năm 2011, với một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán bùng nổ và siêu lạm phát xuất hiện.

Ngân hàng Trung ương Belarus đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất. Đồng thời, đồng ruble của nước này được phép thả nổi, chế độ tỷ giá thống nhất được áp dụng. Ngoài ra, Belarus cũng nhận được khoản giải cứu trị giá 3 tỷ USD từ các quốc gia láng giềng.
Macedonia - nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất

Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp ở Macedonia sẽ lên 31,2% trong năm nay.
Theo IMF, tỷ lệ thất nghiệp ở Macedonia sẽ lên 31,2% trong năm nay.

IMF không đưa ra thống kê thất nghiệp của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng trong số các nước được thống kê, Macedonia là quốc gia có tỷ lệ lao động "vô công rồi nghề" cao nhất. Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này dự kiến sẽ lên tới 31,2%.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Macedonia đã giữ ở mức cao trong suốt nhiều năm, bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế vững, nếu không muốn nói là ngoạn mục. Thực tế này cho thấy, Macedonia có vấn đề về cơ cấu.

Giới quan sát thường lưu ý rằng, thống kê thất nghiệp chính thức của Macedonia không tính tới thị trường "chợ đen", nơi được cho là đóng góp một phần quan trọng vào tổng hoạt động kinh tế của nước này.

Nhật Bản - nước có nợ công lớn nhất thế giới

Theo số liệu của IMF, tỷ lệ nợ công so với GDP của Nhật Bản năm nay sẽ là 235,8%.
Theo số liệu của IMF, tỷ lệ nợ công so với GDP của Nhật Bản năm nay sẽ là 235,8%.

Ở hầu hết các phương diện, nền kinh tế Nhật Bản đều trong nhóm dẫn đầu thế giới. Không may mắn có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đất nước này hướng nền kinh tế vào công nghệ. Nhờ đó, kinh tế Nhật đã trải qua một thời kỳ dài tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, đem đến sự thịnh vượng và ổn định.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nhật vẫn có một điểm yếu, và đó là tỷ lệ nợ công/GDP cao ngất ngưởng. IMF dự báo, nợ chính phủ Nhật sẽ tương đương 235,8% GDP trong năm nay. Không quốc gia nào có tỷ lệ nợ công cao như Nhật Bản.

Tuy nhiên, phần nhiều nợ công của Nhật nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước và lãi suất vẫn còn thấp. Mặc dù Nhật bị hạ điểm tín nhiệm nợ quốc gia nhiều lần trong thập kỷ qua, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm hiện vẫn ở mức dưới 1%. Lần gần đây nhất, vào tháng 5, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã cắt giảm điểm tín nhiệm nợ quốc gia của Nhật Bản, cho rằng Tokyo quá chậm chạp trong vấn đề kiểm soát nợ.

Cảnh báo này đã đưa các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản tới một loạt lựa chọn khó khăn. Nước này hiện vẫn chưa hồi phục hoàn toàn kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần-hạt nhân hồi năm 2011, nên việc tăng thuế để giảm nợ trở thành một bài toán hóc búa.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện